Bài 1: Tự do mua bán đất rừng

THCL LTS: Trong những năm 2004 – 2005, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thậm chí xử lý hình sự nhiều đối tượng liên quan đến việc phân lô, chia mảnh, mua bán, hô “biến” đất rừng phòng hộ thành biệt thự, khu nghỉ dưỡng trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Tuy nhiên, đến nay, thực trạng trên lại đang tiếp tục tái diễn, khiến hàng nghìn ha đất rừng bị xâm hại nghiêm trọng.

Lợi dụng chính sách chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ (RPH) sang đất trồng cây ăn quả, nhiều cá nhân đã tự do mua bán, chuyển nhượng, hô “biến” đất rừng thành hàng loạt biệt thự, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng… trái phép. Song các cơ quan chức năng không vào cuộc - xử lý triệt để?

Biệt thự “mọc” tràn lan

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có 4.557 ha RPH bảo vệ môi trường, trong đó, Trung tâm Phát triển lâm nghiệp quản lý 2.095 ha, còn lại 2.462 ha là của UBND 11 xã, thị trấn có rừng quản lý. Tuy nhiên, do trào lưu mua bán đất rừng để xây biệt thự, trang trại, khu nghỉ dưỡng, đền phủ... nhằm thỏa mãn thú chơi sang của các đại gia, những năm qua, nhiều diện tích đất rừng bị chia ô, chia mảnh để xây dựng biệt thự, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng...

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn các xã Minh Phú, Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược, nhiều khu vực đã được chuyển đổi từ đất RPH sang đất trồng cây ăn quả để xây hàng loạt biệt thự, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng trái phép.

Dù biển báo cấm chặt phá, lấn chiếm đất RPH được đặt khắp nơi, tuy nhiên, các công trình xây dựng kiên cố vẫn tự do “án ngữ” trên đất rừng, nhất là dọc theo đường 131 và đường Hồ Đồng Quan. Có thể kể tới như khu du lịch sinh thái Phúc Lộc Thọ, khu yoga Sóc Sơn, vườn sinh thái Ngọc Linh, nhà hàng Suối Di, nhà hàng Hương Tràm, khu Văn Lang Quán…

Các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng này đều được xây dựng quy mô, tầm cỡ với số tiền đầu tư lớn, công trình phù trợ bên trong được xây dựng kiên cố trên diện tích hàng nghìn m2.

Đặc biệt, với thiết kế quy mô, bề thế, khu vườn sinh thái Ngọc Linh được xây dựng trên diện tích hàng nghìn m2 tại Khu E, hồ Đồng Quan (xã Quang Tiến). Ngoài hệ thống nhà điều hành, nhà bếp, phòng ăn tập thể (dành cho những đoàn nghỉ dưỡng đông người), nhà chòi riêng biệt…, thì hệ thống phòng nghỉ cho khách, bể bơi, sân chơi cũng được xây dựng, thiết kế vô cùng quy mô…

Ngoài ra, tại nhiều xã hàng loạt khu biệt thự, nhà vườn cũng ồ ạt mọc lên trên đất RPH. Thậm chí, những công trình này còn được xây dựng ngay cạnh khu vực phòng thủ của quân đội.

Điều đáng nói, những công trình vi phạm xảy ra đã nhiều năm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm?

Rầm rộ rao bán đất…

Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động mua bán, xây dựng trái phép trên đất rừng nơi đây vẫn diễn ra một cách công khai. Để có thể bán đất rừng, những hộ dân được giao rừng tiến hành xin chuyển đổi diện tích đất RPH sang đất trồng cây ăn quả, sau đó họ chuyển nhượng trái phép cho những người ở nơi khác đến mua và tiến hành xây dựng.

Hiện các biển bán đất trồng cây ăn quả được treo la liệt. Liên lạc với số điện thoại rao bán đất vườn quả tại xã Minh Phú, một người tên Huyền cho biết: “Cần bán 1,6 ha đất làm trang trại nhà vườn, vị trí chân đồi núi tại Minh Phú, nếu bác có thiện chí mua thì giá bán 40 triệu đồng/sào, đất đã đóng thuế hàng năm có 360 m2 đất ở, còn lại là đất vườn quả sử dụng lâu dài, giá bán là 1,8 tỷ đồng!”.

Tại xã Hiền Ninh, một người bán đất tên Thắng giới thiệu: “Cần bán mảnh đất vườn quả lâu năm, có thể dễ dàng gia hạn trên giấy tờ, diện tích thực là 1,5 ha, có thể làm khu nghỉ dưỡng, kinh doanh sinh thái tại hồ Hàm Lợn; giá bán là 2,3 tỷ đồng”.

Trên các trang mạng mua bán nhà đất, bất động sản…, việc rao bán đất trồng cây ăn quả, trang trại, khu nghỉ dưỡng cũng diễn ra rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “bán đất trồng cây ăn quả tại Sóc Sơn”, trong vài giây có thể tìm được hàng trăm nội dung rao bán đất.

Tuy cập vào trang http://batdongsan.com.vn, hàng loạt tin đăng rao bán đất trồng cây ăn quả, trang trại, khu nghỉ dưỡng tại các xã Minh Phú, Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược…

Ngoài hoạt động mua bán, việc xây dựng trái phép trên đất rừng cũng ồ ạt diễn ra. Theo báo cáo số 215/BC-KLSS ngày 16/12/2015 của Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn gửi UBND huyện Sóc Sơn thì, việc san ủi đất trừng phòng hộ trái phép là vô cùng phức tạp, nghiêm trọng.

Trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành lập hồ sơ nhiều vụ vi phạm, lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Trong đó, có việc san ủi đất rừng trái phép 3.600 m2 tại lô 5.8 khoảnh 2 - đất quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, do ông Nguyễn Văn Chính đứng tên; năm 2001, ông chính đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Tiến Khanh (số 41 ngõ 98 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội). Việc chuyển nhượng chưa được cấp thẩm quyền cấp phép.

Bên cạnh đó, nhiều công trình đã được xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, do Trung tâm phát triển Lâm Nghiệp Hà Nội quản lý: (Bản Rõm) tại khu E, Hồ Đồng Quan xã Tiên Dược và khu vực hồ Đồng Quan thuộc thôn Thượng Dược xã Tiên Dược…

Tuấn Ngọc