Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Bình và Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng cấp phát tài liệu tuyên truyền về chống khai thác hải sản
Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Bình và Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng cấp phát tài liệu tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, BĐBP Sóc Trăng đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng quản lý vùng biển trên 30.000 km2 và đội tàu đánh bắt xa bờ với số lượng 366 tàu, hơn 640 tàu thuyền đánh bắt ở vùng lộng, vùng ven bờ. Qua ghi nhận trong hơn 5 năm qua, từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" IUU, tàu khai thác xa bờ của ngư dân Sóc Trăng không vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa xảy ra tình trạng tham gia môi giới, vận chuyển trái phép người xuất nhập cảnh qua đường biển.

Kết quả đó cho thấy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân của Bộ đội Biên phòng, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, giúp bà con hiểu và chấp hành tốt pháp luật và các quy định hiện hành. Riêng trong tháng 10/2022, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã triển khai đợt cao điểm tuyên truyền chống khai thác IUU; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát. Lực lượng Biên phòng ở các đồn, hải đội ven biển đã thực hiện quyết liệt, không lơ là, xem đây là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp thiết của đơn vị, tổ chức các đợt kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất.

Thượng tá Hà Thế Hữu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Sóc Trăng cho biết: “Thực hiện kế hoạch cao điểm chống IUU của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là phân loại các phương tiện đánh bắt xa bờ có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đó, tổ chức tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về chống IUU”.

Bên cạnh đó, BĐBP Sóc Trăng còn duy trì các hoạt động phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng và các địa phương. Đồng thời, cùng với các lực lượng chức năng rà soát các tàu cá đủ điều kiện theo quy định để tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Những tàu nào không còn hoạt động thì xóa khỏi danh sách, những tàu tạm ngưng hoạt động báo cáo lý do chưa lắp để có biện pháp xử lý.

Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân Vùng 2 và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Vùng 4, nhất là nắm tình hình ngư dân Sóc Trăng hoạt động trên biển; thường xuyên phối hợp với các huyện, thị xã ven biển và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm để nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Để thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm chống IUU, các đơn vị thuộc BĐBP Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền cho ngư dân trên các tàu khai thác ở vùng biển xa nắm rõ các ngư trường đang có sự chồng lấn để tránh vi phạm; thông tin đến ngư dân các cảnh báo, chủ trương xử lý cứng rắn của nước ngoài khi tàu cá Việt Nam vi phạm lãnh hải nước bạn; vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh việc thành lập các tổ, đội khai thác trên biển để hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong quá trình đánh bắt.

Thiếu tá Thạch Qươl, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Trần Đề làm tốt công tác kiểm soát hành chính kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở thuyền trưởng, ngư dân tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các quy định hiện hành. Đối với các tàu cá khi xuất bến đi khai thác ở ngư trường xa đều phải trang bị đầy đủ máy thông tin liên lạc thiết bị giám sát hành trình và phải mở máy để lực lượng Biên phòng theo dõi, cảnh báo khi có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Nếu không đủ những điều kiện theo quy định thì dứt khoát chúng tôi không cho tàu xuất bến”.

Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản là một chủ trương lớn của Nhà nước ta nhằm từng bước tổ chức lại nghề đánh bắt theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các sở, ngành, các lực lượng chức năng thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của ngư dân. Có như vậy, thủy sản Việt Nam mới gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tiến tới phát triển nghề cá bền vững./.

Thùy Dương