THCL Tỷ phú Jack Ma nói: “Chúng ta không thiếu tiền, chúng ta thiếu những người có ước mơ và dám sống chết với ước mơ của mình”. Các start up Việt đang chứng minh họ có ước mơ và không viển vông trong suy nghĩ.
“Chúng tôi muốn có doanh thu tỷ đô!”
Chiêu PR, ảo vọng, nổ… đó là những lời nhận xét mà Nguyễn Minh Quý, CEO của Tập đoàn Internet Novaon không ít lần nghe được khi đặt mục tiêu doanh thu đạt con số tỷ đô vào năm 2030.
Hỏi cảm giác khi nghe những điều như vậy, anh Quý vui vẻ trả lời: Các bạn đừng nghĩ rằng, việc đạt được doanh số tỷ đô là cái gì đó quá khó khăn hay không thể. Con số này là rất bình thường đối với DN trong lĩnh vực công nghệ.
Để mở đường cho kế hoạch này, nhiều tháng qua, vị CEO của Novaon đã rong ruổi trên những chuyến bay khắp vùng Đông Nam Á nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh ra khu vực. Kết quả là, vào tháng 3 năm nay, Nguyễn Minh Quý chính thức cho ra đời 2 công ty thành viên mới tại Singapore và Indonesia, nâng tổng số công ty thành viên của Novaon lên con số 7. Novaon cũng chính là đối tác cao cấp của Google ở Việt Nam.
Hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, mục tiêu doanh thu của Novaon đến nay đã vượt qua con số 10 triệu đô, còn khoảng cách rất xa với mục tiêu tỷ đô mà doanh nhân 8x này đưa ra. Nhưng Nguyễn Minh Quý vẫn tự tin: “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chúng tôi tin có thể rút ngắn được 5 năm để đạt con số 1 tỷ đô này, tức là vào năm 2025”.
Anh Quý chia sẻ: Chúng tôi xác định thị trường của mình là ASEAN. Chúng tôi chưa có tham vọng vươn ra tất cả các nước ngay, nhưng 3 - 5 năm tới, chúng tôi định vị là đơn vị dẫn đầu Đông Nam Á. Chúng tôi không đặt mục tiêu quá cao xa, tiến sang châu Âu, Nhật, hay Mỹ. Chúng tôi muốn trước hết ở Đông Nam Á, mình là đơn vị dẫn đầu.
Doanh thu tỷ đô cũng chính là điều mà Nguyễn Hữu Tuất, sáng lập viên của Công ty Softpay Mobile hướng đến cho mảng thanh toán không dùng tiền mặt mPos của DN này.
“Chúng tôi đã đặt ra sứ mệnh mình phải trở thành một Square mới của khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, chúng tôi có công ty ở Singapore, Indonesia, Malaysia, tiếp tục triển khai ở Campuchia”, anh Tuất bộc bạch.
Bản thân mạng xã hội chia sẻ thông tin đồ ăn, thức uống, thời trang làm đẹp Lozi cũng không chịu bó hẹp ở thị trường Việt. Phạm Quang Huy, Giám đốc Lozi Hà Nội cho biết: Trong khu vực Đông Nam Á, người dân ở nhiều nước cũng có sở thích ăn uống, sử dụng smartphone mạnh. Họ cũng up ảnh, viết comment. Từ khởi đầu như thế, Lozi nhận thấy, họ có thói quen hành vi giống người Việt. Đây là một cơ hội.
“Chúng tôi quyết định đó là điều kiện thuận lợi mở rộng ra Đông Nam Á. Giờ bài toán là chọn thị trường nào cho phù hợp”, đại diện Lozi khẳng định.
Ngày càng nhiều những startup Việt đi khám phá chân trời mới. Không quá tham vọng, ôm đồm, họ chọn thị trường vừa sức nhất, có cơ hội vươn lên rõ ràng nhất là ASEAN.
CEO của Novaon Nguyễn Hữu Quý cho rằng, những biểu hiện bên ngoài của dòng chảy startup Việt vươn ra nước ngoài chưa thể nào phản ánh hết được những cơn sóng bên trong.
“Dòng chảy ấy cực kỳ mạnh mẽ. Bởi vì, Internet và công nghệ cho phép người ta cung cấp dịch vụ, sản phẩm xuyên biên giới. Ở Việt Nam, bắt đầu có xu hướng ấy. Rõ ràng, với bài toán như vậy, Singapore, BangKok hay Jarkarta chỉ là Sài Gòn thứ hai, thứ ba, thứ tư…, không có gì quá khó khăn. Cái khó chỉ là ngôn ngữ, thủ tục thành lập thì không quá khó để vượt qua”, CEO Nguyễn Minh Quý chia sẻ.
Khát vọng tỷ đô, startup Việt có cô đơn?
Trong những cuộc trò chuyện với các DN khởi nghiệp, hầu như ít khi nghe thấy họ phàn nàn về môi trường kinh doanh trong nước. Bởi theo những DN này, ở Việt Nam, có những công ty từ nhỏ đi lên như FPT, Hòa Phát, Tôn Hoa sen… Họ xuất phát với nguồn lực không vượt trội, nhưng bứt lên thành công ty đứng đầu trong ngành. Điều đó cho thấy, môi trường vẫn vậy, nhưng vẫn có DN vượt lên, có DN không thể tồn tại.
“Không được đổ lỗi. Không ai ngồi nghe bạn kêu ca, phàn nàn vì khó khăn. Tôi không ủng hộ kêu ca phàn nàn. Những người thành công là tìm giải pháp, không phàn nàn”, CEO Nguyễn Minh Quý của Novaon kiên quyết.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc Công ty CP mPos Việt Nam cho rằng: Điều quan trọng nhất với một công ty là sản phẩm, thị trường, mục tiêu thế nào, không phải thủ tục thành lập. Nhiều bạn hay bảo do thủ tục nên mất nhà đầu tư, nhưng chưa hẳn. Đó là do nhà đầu tư họ chưa muốn đầu tư, chứ không phải do thủ tục.
“Sản phẩm tốt, đội ngũ tốt, thị trường đem lại hiệu quả là quan trọng nhất”, ông Tuất tóm gọn vấn đề.
Dù vậy, mong muốn được Nhà nước nâng đỡ trong giai đoạn đầu chập chững vào nghiệp kinh doanh là điều nhiều startup Việt mong mỏi.
Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Lozi Hà Nội cho rằng: Việc hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Giống như chơi trên sân nhà, khi có hỗ trợ, bản thân các startup sẽ có động lực để phát triển trong nước và ngoài nước.
Các DN đều tin rằng, nếu có chính sách tốt, Việt Nam sẽ thúc đẩy được nhiều công ty có năng lực tiến ra toàn cầu. Tiếc rằng, đến nay, startup Việt vẫn “tự bơi” là chính. Trong khi đó, nhìn ra các nước xung quanh, tiếp sức cho các doanh nhân khởi nghiệp đã trở thành chiến lược quốc gia.
Còn ở Việt Nam, chiến lược quốc gia cho DN khởi nghiệp còn thiếu. Chính sách cho DN khởi nghiệp lại càng yếu.
Đơn cử, việc soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng gặp các vấn đề khó khăn.
Tường thuật lại cuộc họp mới nhất của Ban soạn thảo luật này, một vị chuyên gia cho biết: Hôm đó, có vị lãnh đạo ngành đã phải thốt lên rằng luật không khó, nhưng cứ muốn đưa vào chính sách hỗ trợ DNNVV là lại “đụng chạm” đến các luật khác. Muốn ưu đãi thuế thì đụng chạm các luật về thuế; ưu đãi lãi suất thì đụng phải “ông” ngân hàng…
“Đó là cuộc họp cuối cùng của vị lãnh đạo ấy trong tư cách thành viên Ban soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, vì ông sẽ nghỉ hưu. Lúc phát biểu xong, vị lãnh đạo ngành ấy cũng phải trăn trở bàn giao lại cho người kế nhiệm với hy vọng một luật hỗ trợ DNNVV được ra đời, giúp cho cộng đồng DN Việt Nam phát triển”, vị chuyên gia kể lại.
Bùi Quyền