Ảnh minh họa
Ngày 8/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với Dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 đã được lãnh đạo của 154 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) thông qua trong Kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2015 tại NewYork, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 169 chỉ tiêu, xoay quanh khía cạnh giúp phát triển con người bền vững, đó là: xã hội, môi trường và kinh tế.
Trong đó, Việt Nam đã cam kết: Mục tiêu phát triển bền vững số 3.4: giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu phát triển bền vững số 3.5: giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).
Trong khi hiện nay, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016. Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên).
Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững. Sử dụng rượu, bia là trở ngại cho sự phát triển bởi chúng hủy hoại nguồn nhân lực và cản trở sự phát triển bền vững của con người, bao gồm các mục tiêu: Xóa đói; Xóa nghèo; Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; Đảm bảo giáo dục có chất lượng; Bình đẳng giới; Đảm bảo nước sạch và nguồn cung ứng nước;Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; Giảm bất bình đẳng; Đô thị và nông thôn bền vững; Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; Bảo vệ khí hậu; Xã hội hòa bình; Quan hệ đối tác toàn cầu.
Trong đó, đặc biệt là việc đạt được mục tiêu 3.4 và 3.5 trên đây là hết sức khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia. Do đó, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững.
Theo ông Kingdong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, trong vòng 3 tháng qua, kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ với các nội dung chính.
Đó là: Kêu gọi Chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo;
Bảo đảm tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững đất nước lên ưu tiên hàng đầu trong xây dựng luật.
Lo ngại về sự can thiệp của ngành công nghiệp làm giảm hiệu quả của những quy định pháp luật, và tạo ra những kẽ hở mà sẽ làm suy yếu hiệu quả của pháp luật.
Kiến nghị thông tin liên quan tới phát triển chính sách phòng chống tác hại của rượu bia từ hội nghị cấp cao của đại hội đồng liên hiệp quốc 27/9/2018 cần được phổ biến rộng rãi tới các đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó là các góp ý cụ thể của một số tổ chức đối với dự thảo Luật.
Thứ nhất, về tên Luật: Đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ: “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” vì các lý do sau: Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan dến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Việc thay đổi sang các tên khác như Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự luật.
Thứ hai, về kiểm soát, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ. Các chính sách phòng chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất cần được củng cố trong dự thảo Luật, cụ thể là quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ, quy định hạn chế tính có sẵn của mặt hàng rượu bia và sự tiếp cận với đối tượng dưới 18 tuổi, ngoài những quy định hiện nay được đề cập trong dự thảo, cần bổ sung hoặc điều chỉnh.
Thứ 3, về điều kiện tài chính bảo đảm thực thi luật: Cần có nguồn kinh phí bền vững để thực thi Luật, đưa Luật vào cuộc sống và tổ chức nguồn kinh phí theo hình thức tạo quỹ nâng cao sức khoẻ bằng trích phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu bia, thực hiện quản lý theo đúng nguyên tắc khoa học lập và phát triển quỹ cho triển khai phòng chống tác hại rượu bia trong nội dung của phòng chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. .
T.Nguyên