Sáng nay, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Sửa đổi Luật Quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Luật Quốc phòng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 14/6/2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006). Sau hơn 10 năm thực hiện, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng: Nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đặc biệt, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống, sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh.

“Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng phát triển đất nước”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cần bám sát quan điểm sửa đổi Luật và nghiên cứu những nội dung có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng để bảo đảm tính khả thi, bao quát của dự án Luật; làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đánh giá tác động một số chính sách mới; tiếp tục nghiên cứu rà soát chỉnh lý lại bố cục, nội dung cho phù hợp và tránh chồng chéo các nội dung...

Bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi):

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều (giảm 2 chương, 5 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005), cụ thể:

Chương I, những quy định chung (gồm 7 điều, từ Điều 1 đến Điều 7). Quy định về những nội dung cơ bản như: Chính sách của Nhà nước về quốc phòng; Nguyên tắc hoạt động quốc phòng; Quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng;

Chương II, hoạt động cơ bản về quốc phòng (gồm 10 điều, từ Điều 8 đến Điều 17). Quy định về các vấn đề cơ bản như: Nền quốc phòng toàn dân; Khu vực phòng thủ; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Động viên quốc phòng; Công nghiệp quốc phòng; Phòng thủ dân sự; Đối ngoại quốc phòng...

Chương III, tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (gồm 6 điều, từ Điều 18 đến Điều 23). Quy định về các vấn đề như: Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; Tổng động viên, động viên cục bộ; Thiết quân luật và giới nghiêm....

Chương IV, lực lượng vũ trang nhân dân (gồm 6 điều, từ Điều 24 đến Điều 29). Quy định về các vấn đề như: Thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; Nguyên tắc hoạt động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân...

Chương V, bảo đảm quốc phòng (gồm 5 điều, từ Điều 30 đến Điều 34). Quy định về các vấn đề như: Bảo đảm huy động nguồn nhân lực; Bảo đảm nguồn lực tài chính, tài sản, đất đai phục vụ quốc phòng và Bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân.

Chương VI, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng (gồm 10 điều, từ Điều 35 đến Điều 44). Quy định về các vấn đề như: Nội dung quản lý nhà nước về quốc phòng; Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc phòng và an ninh, Chính phủ về quốc phòng, các Bộ, ngành trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về quốc phòng.

Chương VII, điều khoản thi hành (gồm 2 điều, Điều 45 và Điều 46).

Hoan Nguyễn