Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp khó đáp ứng đòi hỏi của CPTPP - Hình 1

DN Việt cần hiểu rõ và có chiến lược, giải pháp vượt qua các thách thức đến từ CPTPP

Tự làm khó mình?

Cam kết về SHTT là cam kết khó bậc nhất trong những cam kết của CPTPP. Với CPTPP, Việt Nam có nghĩa vụ về gia nhập một số điều ước quốc tế về SHTT (như Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm các mục đích trong thủ tục về sáng chế năm 1977, Hiệp ước của Tổ chức SHTT thế giới về quyền tác giả năm 1996, Hiệp ước của Tổ chức SHTT thế giới về buổi biểu diễn và bản ghi âm năm 1996).

PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc, Trưởng Khoa Đào tạo quốc tế, Trưởng Bộ môn Pháp luật Thương mại quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) nhìn nhận, Việt Nam đang đối mặt với thách thức phải gia nhập các công ước quốc tế về SHTT. Đó là những thách thức từ các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền SHTT. Theo đó, CPTPP đặt ra tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn đối với các đối tượng của quyền SHTT so với pháp luật Việt Nam. Tất yếu dẫn đến thách thức phải sửa đổi nội dung luật. Đơn cử như việc quy định điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, ngoài các yếu tố về chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh, và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi.

Việt Nam có 3 năm (muộn nhất là 30/12/2021) phải thực hiện nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu dưới hình thức âm thanh. Hay như những tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam cũng phải sửa đổi để đảm bảo tính tương thích. Điều này, có thể dẫn đến việc thay đổi căn bản toàn bộ cơ chế đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, và sẽ là thách thức đối với Cục SHTT Việt Nam.

Tiêu chuẩn bảo hộ cao trong CPTPP, không chỉ dẫn đến khối lượng công việc phải thực hiện để thay đổi luật nội dung, mà còn kéo theo những khó khăn trong quá trình tuân thủ và thực thi sau này. Đây được xem là một thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam khi tiêu chuẩn bảo hộ cao tất yếu dẫn đến sự phát triển dựa vào tài sản trí tuệ sẽ càng trở nên đắt đỏ.

Đối với DN, những cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cao như vậy đặt các DN Việt Nam trước những thách thức rất lớn về việc tuân thủ những quy định mới do thiếu về nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này, cũng như gánh nặng chi phí của việc tuân thủ.

Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức từ các quy định thực thi quyền SHTT một cách nghiêm ngặt khi CPTPP xây dựng một cơ chế thực thi quyền SHTT chặt chẽ với sự kết hợp của các chế tài hành chính, dân sự và đặc biệt là hình sự.

Còn những bất cập

TS. Phan Ngọc Tâm (Đại học Luật TP. HCM) - Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm cho rằng, có khá nhiều điểm trong dự thảo luật chưa tương đồng với các cam kết CPTPP.

Chẳng hạn, dự kiến sửa đổi Khoản 1, Điều 80, Luật SHTT để làm rõ hơn về trường hợp không bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chỉ dẫn địa lý đã trở thành “tên gọi chung” như sau: “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam”.

Trong khi đó, cam kết CPTPP đối với trường hợp này là: “Trong việc xác định liệu một thuật ngữ có phải là thuật ngữ thông thường trong ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là tên gọi chung của hàng hóa tương ứng trong phạm vi lãnh thổ của một bên hay không, cơ quan có thẩm quyền của bên đó phải có thẩm quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó trong lãnh thổ của bên đó như thế nào”.

Cách quy định tại dự thảo làm hẹp phạm vi đối tượng được xem xét (từ “người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam” thành “người tiêu dùng liên quan trên lãnh thổ Việt Nam), do đó làm gia tăng khả năng một thuật ngữ có thể bị coi là “tên gọi chung” và từ đó tăng khả năng từ chối bảo hộ chỉ dẫn địa lý có chứa tên gọi chung.

Do đó, cách tiếp cận này dường như là “cao hơn cam kết” và chưa phù hợp với lợi ích chung của các cộng đồng này ở Việt Nam. Hơn nữa, cần chú ý rằng cam kết này tương đối rõ ràng và vì vậy, việc quy định khác với cam kết có thể là một rủi ro cho Việt Nam.

Liên quan đến điều khoản này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”.

TS. Phan Ngọc Tâm nêu, dự thảo dự kiến sửa đổi 1 căn cứ từ chối bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý như sau: “Điều 80 - Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:…3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện, thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm” (luật hiện hành thì trường hợp này chỉ không được bảo hộ nếu “sẽ gây nhầm lẫn”).

Với điều khoản này, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phương án khác thích hợp hơn, ví dụ như bổ sung Điều 80a riêng cho trường hợp này; hoặc sửa đổi tên và lời dẫn của Điều 80 để biến các căn cứ tự động từ chối bảo hộ này thành các trường hợp “có thể” không được bảo hộ.

Ngoài ra, dự thảo có thể bỏ sót nhiều trường hợp khác cần phải sửa trong Luật SHTT. TS. Tâm nhấn mạnh rằng, nếu những quy định này không được sửa đổi, sẽ rất khó cho DN trong việc thực thi.

Vượt qua thách thức

PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc đánh giá, cơ chế thực thi phải nói là hà khắc nói trên - đặt Chính phủ Việt Nam vào áp lực vượt qua các thách thức sửa đổi luật nội dung liên quan đến thực thi nói trên, cũng như chuẩn bị nhân lực, vật lực để viêc thực thi có hiệu quả theo yêu cầu của CPTPP trong thời gian tối đa 3 năm, kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Từ phía DN, gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt trong các thủ tục tranh chấp, kiện tụng là không thể tránh khỏi.

Đối với DN, những cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cao như vậy, đặt các DN Việt Nam trước những thách thức rất lớn về việc tuân thủ những quy định mới do thiếu về nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này, cũng như gánh nặng chi phí của việc tuân thủ. Do vậy, PGS. TS. Hồ Thúy Ngọc khuyến nghị các DN nên hiểu rõ thách thức và có chiến lược, giải pháp vượt qua các thách thức mới là con đường phát triển tối ưu nhất.

Trong khi TS. Phan Ngọc Tâm cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện dự thảo Luật SHTT sửa đổi theo 3 hướng.

Một là, thay đổi hướng tiếp cận trong quá trình soạn thảo dự thảo luật sửa đổi và mở ra nhiều phương án, giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề hay nội dung quy định cần sửa đổi. Việc này, sẽ tạo ra không gian phù hợp cho các chuyên gia, DN và cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm, ý kiến, từ đó giúp xây dựng nên các điều luật mới một cách khoa học, khách quan và có tính khả thi cao nhất.

Hai là, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng các nội dung quy định của Luật SHTT hiện hành để xác định những hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, từ đó tiến hành chỉnh sửa, thay đổi, hoàn thiện một cách quy mô và có hệ thống đối với toàn bộ các quy định của Luật SHTT nói chung, chứ không chỉ dừng lại ở việc cập nhật (một cách không đầy đủ và thiếu chính xác) theo các quy định của CPTPP.

Ba là, việc cập nhật, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp và tương thích với các cam kết quốc tế là bắt buộc và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện một cách chính xác, cẩn trọng và cân nhắc một cách toàn diện đến các đặc trưng kinh tế - xã hội cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế và hệ thống pháp luật của quốc gia, đồng thời đảm bảo tốt nhất lợi ích của cộng đồng DN và đông đảo công chúng.

Hưng Khánh