Chưa tìm được NĐT chiến lược
Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, tình trạng thua lỗ, thất thoát vẫn chưa được ngăn chặn... Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu, nếu không có những quy định hoặc giám sát chặt chẽ thì đây là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ thâu tóm cổ phần, biến tài sản nhà nước thành của riêng cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Tại Hội thảo “CPH DNNN từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài” - do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) vừa tổ chức tại Hà Nội, Luật sư Tony Foster, điều hành văn phòng tại Việt Nam của Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer nói: “Các nhà đầu tư (NĐT) chưa thể gọi là NĐT chiến lược vì lượng cổ phần bán ra chưa bao giờ quá 20%”.
Ông dẫn chứng, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) mua 20% cổ phần của VietinBank (2012) trị giá 743 triệu USD được xem là thương vụ lớn nhất về bán cổ phần cho NĐT ngoại. Các thương vụ sau như NH Mizuho (Nhật Bản) mua 15% cổ phần của Vietcombank mất 5 năm đàm phán và nhiều trở ngại khác. Carlsberg mua 16% cổ phần của Habeco thì hiện chưa được đảm bảo về quyền ưu tiên mua trước như điều kiện thỏa thuận với NĐT chiến lược.
Vị luật sư này cho rằng, có 2 đối tượng mua cổ phần tại DNNN là NĐT chiến lược hoặc NĐT tài chính. Theo ông Foster, NĐT chiến lược thì cần phải có vốn lớn để mua cổ phần có quyền kiểm soát, tham gia vào quản trị DN thì mới thúc đẩy, xây dựng được vị thế của DN.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số bộ, ngành vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại DN lớn. Điều này làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của NĐT, đặc biệt là NĐT lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.
Cần công khai minh bạch
Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN hiện nay đó là vướng cơ chế. Do vậy, để thu hút NĐT thì phải có cơ chế công khai, minh bạch về số liệu.
Tái cơ cấu cần sự đột phá mới
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, đối với những DN đã CPH, phải thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch được tình hình tài chính và có cơ chế giám sát hiệu quả việc quản trị và hoạt động của DN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI), cho rằng: “Phải đẩy mạnh niêm yết chứng khoán, minh bạch thông tin. Đẩy giá lên theo đúng giá thị trường. Sau khi niêm yết, minh bạch thông tin thì tổ chức đấu giá công khai cho các NĐT tham gia. Hạn chế việc rút bán thỏa thuận, Nhà nước dễ thất thu tài sản”.
Liên quan đến việc công khai, minh bạch, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, trong thời gian tới, sẽ ngày càng có nhiều DNNN sau CPH được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán và sáp nhập các DNNN Việt Nam. Việt Nam cũng khuyến khích các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tham gia quá trình CPH DNNN, mua bán sáp nhập trong thời gian tới.
Có thể thấy rằng, quá trình sắp xếp, đổi mới, CPH DNNN đang đi đến giai đoạn quan trọng, không chỉ thu hẹp quy mô, phạm vi DNNN mà còn phải nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện tốt vai trò của mình.
Vấn đề đặt ra tiếp theo là cần phải có mô hình quản lý vốn nhà nước phù hợp để thay đổi căn bản về quản lý nhà nước đối với vốn nhà nước tại DN - là cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN, thúc đẩy có kết quả tiến trình sắp xếp, CPH DNNN. Và việc tái cơ cấu DNNN thành công - sẽ tăng uy tín trong điều hành của Chính phủ rất cao và tạo sự đồng thuận của xã hội, qua đó sẽ tăng sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế.
Ngọc Linh