THCL Tái cơ cấu DNNN là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Những nỗ lực đó nhằm hướng tới việc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DNNN, từ đó, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn của nền kinh tế.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn còn nắm giữ tới 50% cổ phàn tại DNNN

Trong 2 năm qua, tiến trình này đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh triển khai, nhưng kết quả đạt được vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.

Riêng năm 2015, cả nước phải thực hiện CPH 289 DNNN, song tính đến hết tháng 8, mới CPH được 93 DN. Như vậy, trong 4 tháng cuối, vẫn còn 196 DN phải chuyển đổi.

Vậy đâu là nguyên nhân, thách thức?

Ông Remco Gaanderse, thành viên Ban Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhìn nhận, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tái cơ cấu DNNN chiến lược, trong khi các DNNN nhỏ và DN làm ăn thua lỗ, đã được sáp nhập hoặc thanh lý. Cho đến nay, Nhà nước vẫn mong muốn giữ lại quyền kiểm soát các DNNN lớn. Một trong những cải cách quan trọng nhất  EuroCham xác định đó là sự mở cửa các thị trường năng lượng, độc quyền nhà nước sẽ không mang lại tính minh bạch, cũng như vốn đầu tư từ các nguồn trong nước và quốc tế.

Sau CPH, Nhà nước vẫn còn nắm giữ tới 50% cổ phần tại DNNN. Điều đó có nghĩa, về bản chất của việc CPH, rõ ràng chưa có sự thay đổi lớn. Vì vậy, theo ông Takashi Sakakibara, cố vấn đặc biệt cho Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam thì: Người lãnh đạo - đứng đầu DN rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu; họ quyết định tới 70 - 80% sự thành công. Cho nên, cần phải đào tạo kỹ càng, thậm chí tìm kiếm lãnh đạo từ bên ngoài DN tư nhân để vực dậy khối DNNN.

“Với một khối lượng tài sản lớn của DNNN, cần xác định - đánh giá lại giá trị tài sản để bảo đảm không thất thoát trong quá trình CPH. Tôi cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là những băn khoăn của các cán bộ, công nhân viên trong DN”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bày tỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “Một trong những bất cập của phần lớn DNNN đó là công tác quản trị còn yếu kém. Mặt khác, ví thử CPH, chỉ thay đổi cái tên, đầu tư lượng vốn ít… thì cũng chẳng khác nào “bình mới rượu cũ”… Bởi thế, một trong những mục tiêu quan trọng của CPH đó là phải thay đổi - đưa “luồng sinh khí” (yếu tố mới) vào công tác quản trị tại DNNN, cùng với việc đầu tư vốn, tạo nguồn lực và những lợi thế khác thì mới hy vọng mang lại hiệu quả. Đương nhiên, việc định giá DN không phải là dễ. Vì vậy, có thể chỉ CPH một lượng nhỏ ngay từ ban đầu, sau đó để cho thị trường định giá, trên cơ sở Nhà nước từng bước thoái vốn… Đây cũng là một cách làm phù hợp, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, nó vẫn cần có một lộ trình cụ thể, rõ ràng và Nhà nước có thực sự muốn rút ra khỏi những lĩnh vực - không nhất thiết phải nắm cổ phần chi phối hay không?”…

Từ những nguyên nhân trên, quá trình tái cấu trúc DNNN vẫn cần thêm những nỗ lực nhằm đạt được sự thay đổi về chất của khối DN này.

Kỳ vọng vào tiến trình tái cấu trúc DNNN - đúng tiến độ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xác định giá trị DN và bộ này đang khẩn trương soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành quyết định - cho phép các DN được bán cổ phần theo lô.

Thủ tướng cũng đưa ra kế hoạch cho Bộ Tài chính, theo đó phải rà soát, phân loại và lập phương án thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư ngay trong tháng 9, để Chính phủ có phương án chỉ đạo.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đặt vấn đề tái cơ cấu DNNN - là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm.

Thủy Hương (Thương hiệu & Công luận)