THCL Theo Tờ trình của Chính phủ về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nguồn lực cần thiết để tái cơ cấu sẽ lên đến hơn 10 triệu tỷ đồng theo giá thực tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: “Nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, dự kiến khoảng 10,57 triệu tỷ đồng”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, nguồn lực đầu tư từ xã hội ít nhất phải gấp 5 lần của đầu tư công khoảng 10 triệu tỷ đồng. Vì vậy, chúng ta phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt. Phải huy động nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế. Nợ công đã sát trần, áp lực trả nợ lớn, chính sách tiền tệ đã rất chật hẹp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, để có 10,5 triệu tỷ đồng, phải cân đối chung nguồn lực của đất nước và nguồn lực của xã hội để tái cơ cấu, chứ không thể chỉ dùng ngân sách nhà nước.
“Chỉ dùng ngân sách thì không thể có hơn 10 triệu tỷ đồng, ngân sách không đủ. Chủ trương chung trong tái cơ cấu cũng là không dựa, không quá phụ thuộc vào ngân sách,nguồn lực sẽ huy động cả từ nước ngoài và tư nhân trong nước”, ông Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề ra10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện. Trong đó, hàng đầu là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Các nhiệm vụ ưu tiên tiếp theo, gồm:Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất;bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả...
Các doanh nghiệp tư nhân cũng được coi là nòng cốt trong tái cơ cấu, phát triển các ngành ưu tiên, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu. Chi tiêu ngân sách cũng được đề nghị thực hiện nghiêm đối với từng đơn vị, địa phương, bộ, ngành. Đề án cũng đặt mục tiêu giảm “xin-cho” trong đầu tư công. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt.
“Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được sẽ đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng, nhiệm vụ khác của Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.
Để có được số tiền hơn 10 triệu tỷ đồng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, 1/3 trong số hơn 10,5 triệu tỷ đồng nói trên, sẽ được lồng ghép trong Chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016–2020;2 triệu tỷ đồng đầu tư công trong kế hoạch này nằm trong nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế.
Khoảng 6 triệu tỷ đồng còn lại, nói nôm na là “huy động trong dân”. Do vậy, theo ông Nguyễn Chí Dũng, cần phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả.
Trước đó, tại Phiên thảo luận tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế (sáng 22/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả.
Ở đây, phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu. Nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu phải đứng ra ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu, dám cắt bỏ đi cái gì kém hiệu quả.
Ngọc Linh