THCL"Việc bán vé vào chùa Yên Tử sẽ làm khó phật tử đi lễ hội; 90% số người về Yên Tử là để lễ chùa, lễ Phật, chứ không phải du lịch tham quan vãng cảnh”,Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Quảng Ninh bày tỏ quan điểm.

Tái thu phí tham quan non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh): Giáo hội Phật giáo nói gì? - Hình 1Nên chăng tổ chức một cuộc điều tra xã hội học, lấy phiếu thăm dò ý kiến người dân cả nước?

20.000 đồng/lượt/người, mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng?

Ngày 3/12, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, UBND tỉnh sắp trình HĐND tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa 13 ngày 5 - 7/12 tới đây về phương án thu phí thực tế áp dụng từ ngày 1/2/2017, tại Khu di tích danh thắng non thiêng Yên Tử, sau khi tạm dừng thu phí từ năm 2007 đến nay…

Theo đó, mức phí tham quanh danh lam thắng cảnh Yên Tử được đề xuất trên cơ sở tham khảo mức các quy định thu phí tham quan danh lam thắng cảnh hiện nay của Bộ Tài chính, cũng như thực tế quy định thu phí một số khu danh lam thắng cảnh xếp loại di tích quốc gia đặc biệt cùng đợt với danh thắng Yên Tử, hoặc các danh lam thắng cảnh khác có tính chất tương đồng tại các địa phương khác trong nước.

Cụ thể như: Vườn Quốc gia Cát Tiên (người lớn: 40.000 đồng/lần/người; sinh viên, học sinh, trẻ em, 20.000 đồng/lần/người); hồ Ba Bể (người lớn, 20.000 đồng/lần/người, trẻ em dưới 16 tuổi, 10.000 đồng/lần/người); Khu thắng cảnh Hương Sơn - Hà Nội (50.000 đồng/người/lượt); Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ (10.000 đồng/người/lượt); Khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (15.000 đồng/người/lượt).

Trên cơ sở mức phí tối đa tham quan danh thắng Yên Tử được HĐND tỉnh xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra từ ngày 5 - 7/12 tới đây, UBND tỉnh đề xuất phương án thu phí thực tế áp dụng từ ngày 1/2/2017 là thống nhất chung một mức và mức phí bằng mức thu phí hiện nay đang quy định đối với trẻ em 20.000 đồng/người/lượt (bằng 50% mức phí tối đa đối với người lớn). Việc miễn, giảm phí đối với các đối tượng theo quy định hiện hành.

Theo tính toán từ Sở Tài chính, dự kiến lượng khách thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử trung bình mỗi năm khoảng 1.500.000 lượt người (đã giảm trừ các đối tượng được miễn thu phí thăm quan: 160.000 lượt người, trong đó đối tượng là sư tăng, sư ni, đại biểu Phật giáo 30.000 lượt người).

Như vậy, số tiền phí thu mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng - sẽ là nguồn kinh phí cho địa phương trong công tác đầu tư, quản lý và phát triển khu danh thắng Yên Tử. Cụ thể, gồm: Các nội dung như quản lý, tổ chức lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; phòng chống cháy nổ; cứu hộ, cứu nạn; an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường; tuyên truyền quảng bá về Yên Tử; chi tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các di tích, công trình hạ tầng...

Giáo hội phật giáo: TP. Uông Bí lấy ý kiến chưa thỏa đáng?

Thương hiệu & Công luận đã có bài phản ánh về nhiều ý kiến không đồng ý với việc thu vé tham quan Yên Tử của một số hộ dân bản địa, cũng như nhiều phật tử thuận thành của chùa.

Trước đó, ngày 2/12, UBND TP. Uông Bí đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về việc thu phí tham quan vãng cảnh tại Khu di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí,  Quảng Ninh). Theo thông tin từ website cổng thông tin TP. Uông Bí (uongbi.gov.vn), đa phần ý kiến đều nhất trí cao với việc thu phí tham quan vãn cảnh; tuy nhiên cần làm rõ mức thu từng nội dung, phân định rõ mức phí đối với người già, trẻ em, cũng như việc sử dụng nguồn tiền thu được từ phí tham quan. Theo đó, các ý kiến này sẽ được tổng hợp, trình HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tại cuộc họp ngày 02/12/2016, do UBND thành phố Uông Bí lấy ý kiến hơn 200 đại biểu đại diện các khu dân cư, ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí chủ trì đã không thực hiện một cách đầy đủ, Ban tổ chức chỉ lấy ý kiến một số người được bố trí phát biểu ủng hộ, còn một số người có ý kiến phản đối thì không được phát biểu, hoặc phát biểu phản đối mà không ghi nhận, đặc biệt không mời các tăng ni, phật tử tu hành tại các chùa Yên Tử. Cùng với đó, việc làm biên bản và đưa tin 100% ý kiến ủng hộ là điều không chính xác (!?) Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học, lấy phiếu thăm dò ý kiến người dân cả nước thì chắc chắn, 100% ủng hộ phương án bỏ việc bán vé thắng cảnh vào Khu di tích danh thắng Yên Tử”.

Hiện tại, xung quanh Khu danh thắng Yên Tử, thực hiện rất nhiều loại hình thu phí dịch vụ như phí bến bãi, phí trông coi phương tiện, phí cáp treo… Thêm vào đó, Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm đang đầu tư khu dịch vụ có thu phí. Nay thêm phí tham quan thì phí chồng phí, gây nên sự bức xúc không đáng có - điều mà trong môi trường văn hóa, xã hội văn minh càng nên tránh!

 “Đa phần, du khách hướng về Yên Tử là hướng về cội nguồn, về với đất Tổ của Phật giáo. Bên cạnh đó, các di tích Phật giáo tại Yên Tử đều được trùng tu xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, công đức của tín đồ Phật giáo và các nhà hảo tâm. Việc tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong nhiều năm qua hoàn toàn bằng xã hội hóa, trong đó có tỷ lệ đóng góp của nhà chùa, doanh nghiệp... Vì vậy, giờ thu thêm vé tham quan, vãn cảnh, liệu có hợp lòng dân?”, Đại đức Thích Đạo Hiển chia sẻ.

Khánh Quyên