THCL Không chỉ mở rộng bến bãi, xây dựng cổng vào Khu di tích Quốc gia Yên Tử, mới đây, Công ty CP Tùng Lâm đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc xây dựng thêm 2 tuyến cáp treo mới. Xung quanh đề xuất này, có nhiều ý kiến trái chiều...
“Mở cửa” chủ trương?
Trước đề xuất của Công ty CP Tùng Lâm, ngày 29/04, tỉnh Quảng Ninh có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng ý với đề xuất của Công ty CP Tùng Lâm về dự án xây 2 cáp treo mới (song song với 2 tuyến cáp treo cũ).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Uông Bí và các cơ quan liên quan kiểm tra thực địa, hướng dẫn chủ đầu tư là Công ty CP Tùng Lâm chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, đề nghị Bộ VH-TT&DL thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/5/2016.
Các công trình phải phù hợp với đề án mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử - đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hiện 2 tuyến cáp treo đang hoạt động của Công ty CP Tùng Lâm tại Yên Tử, gồm: Tuyến thứ nhất dài 1,2 km, nối từ chân núi lên tháp Tổ Huệ Quang (xây dựng năm 2001 và nâng cấp 2009), chuyên chở 2.400 khách/giờ; tuyến thứ hai dài gần 900 m, nối phía đông chùa Một Mái với khu tượng An Kỳ Sinh (xây dựng năm 2007), chuyên chở 1.800 khách/giờ. Tìm hiểu thì thấy, việc quá tải cáp treo thường chỉ vào 3 tháng Lễ hội Yên Tử dịp đầu năm.
Việc nâng cấp 2 tuyến cáp nói trên, sẽ có 85 cabin được xây mới, sẽ phải chặt một số cây rừng khu vực khu di tích và danh thắng Yên Tử. Riêng đối với tuyến cáp 2, sẽ phải làm thêm cầu thang cuốn dài hàng chục mét để đi đến ga 3.
Trao đổi với phóng viên, đại diện phía Công ty CP Tùng Lâm, ông Lê Trọng Thanh cho biết: Việc xây mới 2 tuyến cáp treo, công ty sẽ tránh tới mức tối đa chặt phá rừng, gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích, giảm thiểu sự vứt rác bừa bãi của du khách.
Lo ngại & phản đối…
Lên tiếng góp ý vào chủ trương xây mới 2 tuyến cáp treo, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã có CV số 41/CV-BTS, gửi Sở Xây dựng, theo đó, bày tỏ lo ngại về dự án này.
Theo Giáo hội, việc xây mới 2 tuyến cáp treo trong khu vực một - khu vực bảo vệ đặc biệt, sẽ gây nhiều hệ lụy như phá vỡ toàn bộ cảnh quan môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố tâm linh (huyệt đạo, phong thủy, linh khí…).
Ngoài ra, việc tăng lưu lượng người lên núi (đặc biệt là chùa Đồng), sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc quá tải trên các chùa, gây ra chen lấn, xô đẩy, không có không gian hành hương, mất an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...
Cũng theo Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh: “Trong những ngày cao điểm của lễ hội, với diện tích sân chùa Hoa Yên 600 m2, sân chùa Đồng 100 m2, nhiều người tham gia lễ đã không có điều kiện hành lễ, phải đứng từ xa vái vọng. Nếu tăng thêm 2 tuyến - sẽ làm gia tăng người trên sân chùa, phá vỡ toàn bộ quy hoạch sử dụng của di tích như việc hành lễ, vệ sinh, giao thông…, ảnh hưởng đến tâm lý của người hành hương khi không được thực hiện tâm nguyện của mình…”.
Trước những điểm chưa hợp lý trên, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Công ty CP Tùng Lâm có phương án nâng cấp 2 tuyến cáp treo hiện có, chứ không nên xây mới.
Liên quan tới đề xuất chủ trương của Công ty CP Tùng Lâm, mới đây, báo điện tử VnExpress đã có 1 cuộc khảo sát – lấy ý kiến của độc giả. Kết quả, tổng số 1.770 phiếu bình chọn thì có tới 1.450 (82%) phiếu không đồng tình với chủ trương xây dựng cáp treo ở Yên Tử, 320 phiếu (18%) phiếu đồng tình với chủ trương này.
Thông tin về việc Công ty CP Tùng Lâm đề xuất xây mới hệ thống cáp treo tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử khiến dư luận không khỏi lo lắng. Bởi trước đó, từng có rất nhiều hạng mục công trình của Công ty Phát triển Tùng Lâm xây dựng trên đỉnh non thiêng Yên Tử bị liệt vào danh sách những công trình xây dựng không phép. Hơn thế, việc đề xuất xây dựng bổ sung thêm những tuyến cáp mới đang có nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường tại khu di tích danh thắng này. Trong khi Quảng Ninh và 2 địa phương khác đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản văn hóa thế giới.
Như vậy, nếu như Công ty CP Tùng Lâm tiến hành xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục đề xuất trong “chương trình” biến đổi vùng đất thiêng này thành nơi kinh doanh thương mại, thì Yên Tử liệu có còn được mệnh danh là miền đất phật, vùng núi thiêng trong lòng du khách thập phương và bạn bè Quốc tế?.
Kiều Tuyết - Trần Trang