Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách

Thời gian qua, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành NSNN được siết chặt, từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chi NSNN vẫn luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội. Xung quanh vấn đề này, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) đã có cuộc trả lời báo chí.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách - Hình 1

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) 

Xin ông cho biết, trong lĩnh vực chi NSNN, những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành tài chính?

Chi ngân sách - tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của DN. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.

Đây cũng chính là vấn đề lo ngại của xã hội. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, 2 vấn đề lớn trong chi ngân sách là: Kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư - thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế - kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...

Về cơ cấu lại chi NSNN, thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26 -27% (mục tiêu 25 - 26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, anh sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng...

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn, do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60 - 70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Trong khi đó, các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; từ đó, hạn chế việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại NSNN theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội.

Bộ Tài chính sẽ chú trọng những giải pháp như thế nào để tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách hiện nay?

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính - NSNN, những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Chính trị, Quốc hội đặt yêu cầu cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, giao các ngành, các cấp thực hiện thể hiện ở 3 điểm: Xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ thể chế; trong điều hành, tổ chức thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các luật: Luật NSNN, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Trong đó, đã đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 đã có những quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định rõ hơn về thẩm quyền điều chỉnh dự toán, công khai minh bạch, giám sát của cộng đồng.

Trong tổ chức thực hiện, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, chi NSNN chặt chẽ theo phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng đã được tăng cường. Đặc biệt, Quốc hội rất quan tâm đến tiến độ triển khai thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách phải gắn liền với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các lĩnh vực có liên quan, như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng....

Trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp sau để tăng cường kỷ cương, kỷ luật NSNN.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo quy định của pháp luật các cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.

Quản lý chặt chẽ chi NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách và tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

Làm tốt công tác tuyên truyền; công khai, minh bạch hoạt động tài chính - NSNN; nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tăng cường giám sát của cộng đồng.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách - Hình 2

Ảnh minh họa

Bên cạnh nỗ lực tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách của ngành tài chính, theo ông, cần sự phối hợp của các bộ, ngành như thế nào?

Luật NSNN 2015 đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương; đi cùng với tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình... Do vậy, kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách phụ thuộc vào việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trên cơ sở dự toán được giao, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách...

Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn cũng quy định cụ thể các điều kiện chi; các hành vi bị cấm...; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ, thực hiện; vấn đề thanh tra, kiểm toán...vừa tạo thuận tiện; nhưng đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, mà còn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản... Bởi thực tế cho thấy những vi phạm trong các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN như kết quả thanh tra, kiểm toán đã nêu ra.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tăng cường công khai, minh bạch ngân sách, tăng cường sự giám sát của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả ngân sách, cũng như siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách?

Như tôi đã nói, Luật NSNN 2015 đã bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về công khai ngân sách theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng công khai; công khai gắn với minh bạch và trách nhiệm giải trình, phù hợp thông lệ quốc tế.

Nội dung công khai chi tiết hơn, giúp người dân có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình ngân sách từ khâu xây dựng chính sách chế độ, trình dự toán ngân sách, thực hiện, quyết toán ngân sách, cũng kiểm toán và việc thực hiện các khiến nghị của kiểm toán.

Công khai từ khâu xây dựng ban hành cơ chế chính sách thu, chi ngân sách tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý kiến; qua đó, giúp cho các cơ quan xây dựng chính sách tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, DN.

Từ năm 2018, dự toán NSNN khi trình Quốc hội, HĐND các cấp (đề xuất dự toán) được công khai để cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào quá trình xây dựng NSNN. Hình thức công khai được quy định cụ thể, rõ ràng, trong đó yêu cầu bắt buộc phải công khai trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và sở tài chính để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.

Đối với các đợn vị sử dụng NSNN và các đơn vị được NSNN hỗ trợ: Lựa chọn 1 hoặc một số hình thức công khai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Luật NSNN (gồm: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở, phát hành ấn phẩm, đưa lên trang điện tử, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Về tăng cường giám sát ngân sách của cộng đồng: Cùng với việc tăng cường công khai NSNN, Luật NSNN 2015 bổ sung quy định NSNN được giám sát bởi cộng đồng và giao cho MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các thành viên của Mặt trận tổ chức việc giám sát NSNN.

Quy định mới này, đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng NSNN; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (Thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Nhiều khu, điểm du lịch ở Bắc Giang hút khách tham quan dịp nghỉ lễ
Nhiều khu, điểm du lịch ở Bắc Giang hút khách tham quan dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Chương trình “Viết thư pháp - gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt”: Thúc đẩy tinh thần hiếu học của người dân An Lão
Chương trình “Viết thư pháp - gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt”: Thúc đẩy tinh thần hiếu học của người dân An Lão

Ngày 30/4, tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, UBND huyện An Lão (TP. Hải Phòng) tổ chức Lễ dâng hương và chương trình “Viết thư pháp - gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt”. 

Hải Phòng: Triển lãm ảnh, tư liệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”
Hải Phòng: Triển lãm ảnh, tư liệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”

Từ ngày 29/4 đến hết ngày 7/5/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm - Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh TP. Hải Phòng tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng” kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hải Dương thu giữ hơn 2.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc
Hải Dương thu giữ hơn 2.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

Cơ quan Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vừa phát hiện, thu giữ hơn 2.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tập đoàn Mai Linh đã có sự khởi sắc chấm dứt lỗ và trở lại đường đua
Tập đoàn Mai Linh đã có sự khởi sắc chấm dứt lỗ và trở lại đường đua

Ngày 29/4/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tổ chức Đại hội đồng Cổ đông Thường niên năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

IMF kỳ vọng kinh tế Châu Á sẽ tăng trưởng 4,5%
IMF kỳ vọng kinh tế Châu Á sẽ tăng trưởng 4,5%

Hôm thứ Ba, ngày 30/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng Châu Á vào năm 2024, với lạm phát giảm nhanh và tăng trưởng kiên cường sẽ giúp khu vực đạt được "hạ cánh mềm" ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại trong hai năm tới.