(TH&CL) Mặc dù chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 nhưng cho đến nay, các DN Việt Nam, nhất là các DNNVV vẫn chưa mặn mà với xu hướng này và còn gặp nhiều khó khăn trên con đường tiến tới tăng trưởng xanh.


Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, do kinh tế suy thoái, một mặt các DN phải đối mặt với việc giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, một mặt phải tiếp tục tiếp cận vốn vay và lo thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao để thực hiện các dự án về sản xuất sạch, tăng trưởng xanh. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn và chưa có nhiều ưu đãi cho DN vay vốn để phát triển kinh tế xanh.

Tại “Diễn đàn CEO kinh doanh xanh con đường hướng tới sự phát triển bền vững”, nhiều ý kiến từ phía DN cho rằng, để vay vốn chuyển đổi mô hình sản xuất sang tăng trưởng xanh thì cần có tài sản thế chấp, chưa kể lãi suất khá cao và thời hạn cho vay thường ngắn trong khi để kiểm chứng hiệu quả đầu tư phải chờ tới vài năm. Việc tiếp cận nguồn vốn ODA còn nhiều bất cập và vướng mắc vì nguồn vốn này vẫn chủ yếu dành cho các dự án cấp bộ, cấp trung ương…

Mặt khác, để cải thiện công nghệ theo hướng phát triển xanh, DN cũng gặp không ít khó khăn vì thiếu chính sách công khai, minh bạch. Với nhiều năm thực hiện chiến lược hỗ trợ các DN kinh doanh xanh, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, hiện OCB đã có đội ngũ làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xanh. Tuy nhiên, vấn đề họ gặp phải hiện nay đó là thiếu những cơ quan chức năng xác thực được mức độ bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm của DN. Do đó, ông Linh đề xuất, nên có tổ chức hỗ trợ cho các DN Việt Nam bằng cách có những tiêu chuẩn rõ ràng trong việc đánh giá tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác hại môi trường. Qua đó, DN Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với các nhà đầu tư.

Chính sách hài hòa

Tại diễn đàn, ông Bùi Cát Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, tăng trưởng xanh sẽ là con đường duy nhất để các DN có thể tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Để kinh doanh xanh trong bối cảnh khó khăn là bài toán không đơn giản, song DN vẫn phải làm. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, điều quan trọng nhất là cần có những chính sách hỗ trợ để các DN mặn mà với kinh tế xanh.

Chính sách hỗ trợ này cần có lộ trình cụ thể theo từng bước phát triển của nền kinh tế. Từ đó, bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, DN sẽ lựa chọn sử dụng nguồn năng lượng ít hơn, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng không có khả năng tái tạo.

Ông Tùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề xuất đưa chỉ số môi trường trở thành một phần trong báo cáo đánh giá DN. Bộ này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có chỉ số môi trường tốt được vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch.

“Luật Tài nguyên đang sửa đổi sẽ tạo khuôn khổ pháp lý tốt hơn để tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững. Theo đó, sẽ có quy định chặt chẽ hơn về môi trường. DN vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”. Đây là một trong những giải pháp có tính định hướng để DN hướng tới kinh doanh xanh”, ông Tùng nói.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam thì: “Cần phải hài hòa giữa 3 yếu tố quản trị tài chính, quản trị con người và quản trị tài nguyên thiên nhiên. Trước hết, những người quản trị DN phải thay đổi tư duy kinh tế xanh, quan tâm thực sự tới vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, cần đưa chỉ số môi trường vào trong báo cáo một cách minh bạch, niêm yết công khai”.

Ở một chiều hướng thảo luận khác, trong bối cảnh khó khăn DN còn hạn chế về năng lực thì việc tạo ra chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ và ưu tiên cho các DN có chiến lược tăng trưởng xanh là rất cần thiết.

Hoan Nguyễn