Gemalink hiện đang là công ty liên kết của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE), đồng thời là liên doanh giữa tập đoàn này với CMA Terminals. Hiện Tập đoàn Gemadept đang sở hữu 41,67% vốn điều lệ tại Gemalink. CMA Terminals là đơn vị thành viên tập đoàn vận tải biển CMA - CGM (Pháp) - hãng vận chuyển container đường biển lớn thứ 3 trên thế giới.
Gemalink hiện là đơn vị trực tiếp vận hành Cảng Gemalink - cảng nước sâu quy mô lớn hàng đầu Việt Nam hiện nay với năng lực tiếp nhận tàu cỡ lớn nhất thế giới 250.000 DWT.
Theo đề xuất gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Gemalink khẳng định có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai thành công dự án Cảng Cái Mép Hạ. Bên cạnh việc sử dụng vốn tự có thì tùy thuộc vào phê duyệt ở giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn Gemadept sẽ cân nhắc huy động các nguồn vốn khác dựa trên hiệu quả kinh doanh, sức khỏe tài chính và mức độ tín nhiệm tín dụng cao của mình.
Nếu được chọn làm nhà đầu tư tại dự án Cảng Cái Mép Hạ, Tập đoàn Gemadept cam kết sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tập đoàn CMA - CGM, liên minh hàng hải Ocean Alliance, và các khách hàng hiện hữu.
Qua đó, có thể đảm bảo sản lượng hàng hóa lưu thông ổn định và thu hút các hãng tàu trong liên minh đến khu bến Cái Mép - Thị Vải. Từ đó, kỳ vọng đưa khu vực này thành khu cảng cửa ngõ và trung chuyển quốc tế, Tập đoàn Gemadept nhấn mạnh.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, sau các biến động trên thị trường hàng hải thế giới, kể từ năm sau, liên minh Ocean gồm các hãng tàu CMA-CMG (Pháp), COSCO (Trung Quốc) và Evergreen (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng sức chở lên đến 6 triệu TEU trở thành liên minh lớn nhất thị trường, vượt trội các các đối thủ khác.
Đặc biệt, liên minh Ocean trở thành bên thống trị 2 tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thị trường là châu Á - châu Âu và xuyên Thái Bình Dương. Các hãng tàu thành viên cũng vừa ký kết gia hạn hợp tác liên minh đến năm 2032.
Liên quan đến việc triển khai dự án Cảng Cái Mép Hạ, vào tháng 4/2024, liên danh giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện dự án cảng này.
Cụ thể, liên danh này đề xuất thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư là 50.820 tỷ đồng, quy mô 351 ha, định hướng xây dựng thành cảng có khả năng tàu biển lớn nhất thế giới. Theo đề xuất của liên danh, quy trình đầu tư sẽ gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2030 với các công việc như xây dựng 2 bến có tổng chiều dài 0,9km dành cho tàu có tải trọng đến 250.000 DWT.
Phương Thảo(t/h)