Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Hiện cả nước có khoảng 530.000 ha sắn, sản lượng hơn 10 triệu tấn một năm và giữ vị trí nhà xuất khẩu đứng thứ hai của thế giới.

Cây sắn có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn, tinh bột sắn biến tính, các sản phẩm từ tinh bột sắn và thân sắn dùng để làm giống, làm nấm, làm củi đun, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulo. Bên cạnh đó lá sắn được sử dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 đã thu về hơn 90,7 triệu USD với hơn 230 nghìn tấn, tăng mạnh 30,8% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với tháng 10. 

Lũy kế trong 11 tháng đầu năm xuất khẩu sắn đạt hơn 2,3 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,04 tỷ USD, giảm 12,8% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lớn nhất với hơn 2,15 triệu tấn, trị giá hơn 958 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vẫn tăng nhẹ 3%, đạt bình quân 445 USD/tấn.

Đứng thứ 2 là Đài Loan với hơn 43 nghìn tấn, trị giá hơn 23 triệu USD, sản lượng tương đương cùng kỳ năm trước và trị giá tăng 5% so với cùng kỳ. Giá bình quân 537 USD/tấn, tăng 5%.

Hà Trần (T/h)