Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 316 xã, 137 huyện của 37 tỉnh, thành phố; hiện còn 18 tỉnh, thành phố dịch chưa qua 21 ngày.
Tại Hải Phòng, sau 24 tháng bệnh dịch tả lợn Châu Phi được khống chế trên địa bàn thành phố, đến ngày 30/5/2024 dịch tái phát trên đàn lợn tại xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy (ổ dịch cũ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu phi phải tiêu hủy năm 2019); số lợn tiêu hủy bắt buộc 11 con, trọng lượng 446kg. Kết quả giám sát sự lưu hành vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2023 tại một số chợ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn thành phố đã phát hiện 3,96% mẫu dương tính với vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh giáp ranh Hải Phòng đang có ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày… tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện tổ chức giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, chợ buôn bán thực phẩm có nguồn gốc từ lợn trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; căn cứ diễn biến dịch bệnh, xem xét thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông tiếp giáp với các địa phương đang có dịch; bố trí kinh phí, nguồn lực, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch để chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra…
Tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; khẩn trương tổng hợp, rà soát, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin… Tổ chức truy xuất nguồn gốc và xử lý các trường hợp mẫu giám sát có kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định phòng chống dịch hiện hành.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phát hiện và xử lý ổ dịch đúng quy trình theo quy định, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn. Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục triển khai giám sát sự lưu hành vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố.
Quỳnh Nga(t/h)