Sau một thời gian dài được khống chế, hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở xã Tiền Phong tại đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Khâm, thôn 1 với 12 con lợn mắc bệnh (gồm 1 con lợn nái và 11 con lợn con theo mẹ). Sau xã Tiền Phong, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến đàn lợn của hộ gia đình ông Phạm Văn Luyện, thôn Đình 1, xã Liên Vị, TX Quảng Yên, làm 6 con lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX Quảng Yên phối hợp với Chi cục Thú y vùng II, Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. TX Quảng Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh theo quy định. Đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp tiêu độc, khử trùng, không để dịch lây lan ra diện rộng.
TX Quảng Yên lập chốt khoanh vùng địa bàn có dịch, không cho vận chuyển lợn ra vào khu vực có dịch. Giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi lợn; tổ chức rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng trên các tuyến đường vào các hộ có lợn bệnh; phun khử trùng 2 lần/ngày tại chuồng nuôi lợn để tiêu diệt mầm bệnh. Công tác thông tin, tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi cũng được tăng cường để người dân nắm rõ và chủ động có các biện pháp phòng dịch.
Thời gian qua, thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp là một trong những nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, trong đó có dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, việc quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật còn lỏng lẻo là những nguyên nhân để dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng, các địa phương, lực lượng chức năng liên quan cần khẩn trương, kịp thời tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Ngành nông nghiệp, chăn nuôi cùng các địa phương khẩn trương hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn; thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh…
Có thể thấy, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh này gây ra thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cũng như có phương án xử lý, đặc biệt là vấn đề chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín từ khâu chọn giống đến bảo quản thức ăn.
Trần Trang (t/h)