Một góc Huế
Một góc Huế.

Trận bão năm 1985, tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng, khu vực Phú Tân, Thuận An nhất là Cồn Sơn (Cồn Cát nổi lên giữa Phá Tam Giang)… có cả trăm người chết. Lúc đó bí thư huyện Hương Phú (hiện nay là Hương Thuỷ và Phú Vang- PV) là ông Võ Nguyên Quảng đã tả cảnh bão “Tui trong chiến tranh không hề sợ chết, cứ nghe tiếng súng là xốc tới. Thế mà cái bão số 8 (năm 1985-PV) này, quá sợ. Đêm tui chỉ đạo tại Phú Đa nghe dân kêu ứng cứu, phải dẫn quân đi vừa chạy vừa ôm đầu nghe tồn bay tứ phía không biết trúng mình lúc nào. Nói mà còn sợ”.

Sau đó ông chỉ đạo đưa hết hơn trăm hộ dân ở Cồn Sơn (xã Phú Thuận) lên tái định cư ở thôn Hoà Duân cùng xã Phú Thuận. Rồi chỉ đạo Phòng Giáo dục Hương Phú tổ chức các lớp dạy xoá mù chữ. Ông bảo, họ cả đời theo đuôi con cá chừ phải cho cái chữ mới đổi đời được. Làm gì cũng phải học, có văn hoá!

Cồn Sơn (xã Phú Thuận) đang được một doanh nghiệp đầu tư khu nghỉ dưỡng gần 1200 tỉ đồng
Cồn Sơn (xã Phú Thuận) đang được một doanh nghiệp đầu tư khu nghỉ dưỡng gần 1200 tỉ đồng.

Ấn tượng về ông, có giáo viên lớp xoá mù năm đó làm bài thơ dạy học, người dân Cồn Sơn còn nhớ đến bây giờ “Dân Cồn Sơn làm nghề chài lưới – Sống cuộc đời sông nước mênh mông- Hôm nay theo Đảng một lòng- Dựng miền quê mới, xây đời ấm no”. Có người còn nói, Bí thư Võ Nguyên Quảng đúng là “Khai canh” của làng Hoà Duân (khu tái định cư Cồn Sơn)

Tháng 03/2000, nhân  kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng, Thừa Thiên Huế tổ chức khởi công hàng loạt dự án lớn, trong đó có cầu Trường Hà, cảng Chân Mây… Tôi đi theo xe của Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Văn Mễ. Ngồi trên xe, ông tâm tư rất nhiều chuyện, riêng cầu Trường Hà, ông xúc động cho biết: Mấy vạn người dân khu ba (bên kia phá Tam Giang) bao đời khó khăn khi bị cách lìa với phần còn lại của Huế. Từ khi công tác ở huyện Hương Phú mình đã suy nghĩ, thậm chí ước ao làm sao có được cây cầu bắc qua phá Tam Giang vì quá rộng, địa chất không ổn định, ngân sách không có... Hôm nay phải nói là “ngày lịch sử” khi cầu Trường Hà được khởi công xây dựng, sẽ giúp người dân  bên kia phá Tam Giang đổi đời. Giao thông thuận lợi, sẽ kéo theo kinh tế, thương mại, giáo dục….phát triển.

Cầu Trường Hà, một trong 10 cây cầu dài nhất của Việt Nam bắc qua phá Tam Giang
Cầu Trường Hà, một trong 10 cây cầu dài nhất của Việt Nam bắc qua phá Tam Giang.

Điều đó đã được chứng thực khi đời sống của hàng vạn người dân vùng đầm phá đã thay đổi. Cùng với cầu- đường, hàng chục dự án du lịch, nghỉ dưỡng đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế thuần nông của cư dân bên kia bờ phá Tam Giang. Mấy mươi năm qua, người dân Huế vẫn cho rằng cầu Trường Hà, Cảng Chân Mây… đây là dấu ấn quan trọng nhất của nhiệm kỳ đó.

Vì trên tất cả những công trình chính là tầm nhìn, là tấm lòng của người dân cả nước đối với Huế. Tiếp cầu Trường Hà là cầu Vinh Hiền, sắp đến nữa là cầu qua cửa biển Thuận An đã kéo Phá Tam Giang gần lại, biến Đô thị Huế có cả sông, núi, biển và cả Phá Tam Giang không nơi nào có được…

Năm 2005, có nhà đầu tư nước ngoài muốn xây dựng một công trình khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh. Một số vị lãnh đạo tỉnh; các cấp ngành cũng lên tiếng ủng hộ; ngay nhiều nhà nghiên cứu, truyền thông cũng chia làm hai “phe”. Hôm làm lễ động thổ, thậm chí doanh nghiệp mời một số chức sắc ở Trung ương vào dự.

Sau động thổ, tỉnh vẫn chưa cho khởi công mà Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các ban, bộ, ngành, nhà nghiên cứu…Hôm đó trao đổi với tôi, Bí thư lúc đó là ông Hồ Xuân Mãn đã rất cân nhắc, ông nói “Cái gì đụng đến văn hoá, di sản mình phải cẩn thận. Đừng để con cháu đời sau oán hận ông cha đã không biết gìn giữ, bảo tồn!”

Sau đó, dự án bị huỷ, Vọng Cảnh vẫn là di sản của người dân Huế, là tài sản của tất cả mọi người chứ không phải riêng ai.

Gần nhất trong những năm gần đây, những người lãnh đạo Huế đang đưa người dân vào “Giấc mơ lớn”. Đó không phải là “mơ” thành Thành phố trực thuộc Trung ương vì điều đó đã được khẳng định mà thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, thay đổi tư duy trong cách tiếp cận và phát triển. Như ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ nói “Huếkhông còn cố chấp, bảo thủ mà đã biết chấp nhận quy luật, chấp nhận những điều mình chưa thích và tuân theo sự vận động chung của nền kinh tế để hướng đến đích cuối cùng là đạt được “giấc mơ Huế” - một xứ sở của hạnh phúc”. Điều quan trọng hơn nữa là người dân Huế còn được trao quyền giám sát, quản lý Nhà nước thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Một hoạt động không mấy địa phương có được…

Huế còn được Trung ương hỗ trợ thực hiện cuộc di dân lịch sử di dời dân cư Khu vực I Kinh thành Huế tồn tại mấy mươi năm nay nhằm gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại. Thay đổi diện mạo thành phố Huế thông qua việc chỉnh trang 02 bờ sông Hương; triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; chương trình “Huế - không tiếng còi xe”; “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, “làm sạch dòng Hương”,“Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo”…

Phát động phong trào: Dòng họ, làng bản không có hộ nghèo.

Huế đang ngày càng hiện đại, với nhiều khu phố mới mọc lên. “Huế luôn luôn mới” trên nền tảng bảo tồn các giá trị cũ. Huế không chỉ hướng đến xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn hơn thế, đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu.

Từ Huế hôm nay, nhìn lại các thế hệ lãnh đạo đã qua, trong công tác quản lý chỉ đạo có đúng, có điều chưa đúng, phải điều chỉnh. Tuy nhiên điều mà người dân đều nhận thấy rõ ở họ là phẩm chất của người Cộng sản không hề thay đổi. Tấm lòng: Tất cả vì Huế, vì bản sắc Huế không hề bị đánh mất!

                                                                                                                                           Trần Minh Tích