Liên tục bắt quả tang nhiều tàu hút cát lậu
Khoảng 3 giờ ngày 8/10, Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh Tiền Giang vừa bắt quả tang 2 ghe gỗ đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Tiền, đoạn qua xã Thới Sơn, Thành phố. Mỹ Tho.
Phương tiện thứ nhất bị bắt giữ không đăng ký có trọng tải gần 23 tấn do Nguyễn Văn Tuấn Em (43 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện này hút được gần 7 mét khối cát. Thuyền trưởng và các đối tượng trên phương tiện này không xuất trình được giấy tờ hợp pháp.
Hai phương tiện khai thác cát không phép bị ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tạm giữ để xử lý (Ảnh: NT)
Phương tiện thứ 2, không đăng ký có trọng tải hơn 20 tấn do Nguyễn Sóng Nước (40 tuổi, ngụ xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng. Phương tiện này đã hút được gần 4 mét khối cát. Thuyền trưởng và các đối tượng trên phương tiện này cũng không có giấy tờ hợp pháp. Hiện tại, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tạm giữ các phương tiện vi phạm; bàn giao hồ sơ vụ việc cho Tổ công tác liên ngành tỉnh Tiền Giang xử lý theo quy định.
Cũng trong sáng ngày 8/10, Đội TTGT số 2 (thuộc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM) và Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TP.HCM phối hợp kiểm tra đột xuất tại khu vực ngã ba rạch Gò Công - sông Tắc, vàm Long Đại (Q.9, TP.HCM).
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 7 phà bơm đang hoạt động trái phép. Tổ kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử lý 3 phà bơm (có giấy tờ) về hành vi đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà ko có giấy phép hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và 5 sà lan với các hành vi: Đưa phương tiện vào xếp dỡ hàng hóa tại bến thủy nội địa chưa được cấp giấy phép hoạt động, không bằng thuyền trưởng, không giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm. Các phương tiện này bị buộc di dời ra khỏi khu vực trên.
Đối với 4 phà bơm và hai sà lan cố tình trì hoãn không xuất trình giấy tờ, tổ kiểm tra cho thời gian đến 15h cùng ngày, nếu không xuất trình được sẽ bị tạm giữ phương tiện theo quy định.
Tổ liên ngành kiểm tra 1 sà lan hút cát lậu
Trước đó, ngày 27/9, TTGT Đội 2 và Cảnh sát Đường thủy đã kiểm tra khu vực cù lao Phước Thiện (Q.9, TP.HCM). Tổ liên ngành lập 7 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt tổng số tiền trên 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm như bến không phép, đưa phương tiện vào bến không phép, phương tiện không có giấy đăng ký, đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường… Lực lượng liên ngành đã tạm giữ 4 phương tiện hoạt động trái phép.
Trong số các phương tiện bị xử lý có sà lan BKS HD-2999, tuy nhiên, đến chiều 30/9, sà lan này tiếp tục bị Bộ đội Biên phòng TP.HCM bắt quả tang đang dùng vòi bạch tuộc hút cát lậu ở biển Cần Giờ.
Tương tự vào khoảng 22 giờ ngày 6/10, khi đi tuần tra trên sông Cổ Chiên, đoàn công tác của xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã phát hiện 2 chiếc sà lan đang thực hiện hành vi hút trộm cát trên sông, đoạn gần cồn Phú Đa. Các đối tượng trên 2 phương tiện này không xuất trình được giấy phép khai thác.
Qua làm việc, các đối tượng khai nhận hai phương tiện trên được xác định là Nguyễn Thanh Đấu, 36 tuổi và Trần Hữu Sang, 22 tuổi cùng ngụ xã Vĩnh Bình.
Nhờn luật hay được "bảo kê"?
Trên thực tế, tình trạng các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép diễn ra một cách phổ biến, công khai. Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến việc ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn là do quy định pháp luật về xử lý vi phạm có nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe.
Phần lớn các vụ khai thác trái phép cát chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa là 160 triệu đồng (quy định tại Nghị định 142/2013/NĐ-CP). Mức phạt như vậy chưa là gì so với khoản lợi nhuận kếch xù do khai thác cát trái phép mang lại, nên các đối tượng vi phạm sẵn sàng chi tiền nộp phạt rồi sau đó lại tái phạm.
Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng”. Theo đó, yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” được coi là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vậy nhưng pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể xác định như thế nào là gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”. Một điểm đáng chú ý là Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, nên trong trường hợp pháp nhân có hành vi vi phạm thì không bị xử lý. Vì vậy, thời gian qua, tỷ lệ xử lý hình sự theo tội danh này không nhiều.
Khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành trên thực tế, Điều 227 sẽ phần nào khắc phục các hạn chế nêu trên thông qua việc liệt kê cụ thể, chi tiết các hành vi bị xử lý hình sự. Trừ trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép mà thu được nguồn lợi có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hoặc giá trị của khoáng sản bị khai thác từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% - 60% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp đối tượng vi phạm có một trong các tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (như gây sự cố môi trường, làm chết người...) thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với pháp nhân, mức phạt tiền sẽ từ 1,5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Theo một cán bộ tổ liên ngành, để giải quyết triệt để tình trạng bơm hút cát lậu trên sông, song song với việc liên ngành kiểm tra, xử lý gắt gao, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệtc, hứ không thể đứng ngoài làm ngơ.
Hải Đăng (T/h)