Gần 13 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của Techcombank
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trên nền mức tăng rất cao tới 36,3% của 9 tháng đầu năm 2022. Riêng trong quý 3, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ, lên mức 2,7 nghìn tỷ đồng.
Nguồn thu từ dịch vụ tăng trong bối cảnh Techcombank thu hút được lượng lớn khách hàng, tại thời điểm cuối quý 3 đã lên đến gần 13 triệu với khoảng 2,2 triệu khách hàng được thu hút mới trong 9 tháng đầu năm nay. Con số này nhiều gấp 3 lần so với số khách hàng mới thu hút được trong 9 tháng đầu năm 2022, trong đó 44,4% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 42,9% thông qua hệ sinh thái của các đối tác.
Trong các mảng mang về nguồn thu lớn cho dịch vụ phải kể tới thu từ dịch vụ thẻ đạt 1.526 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ; Thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán đạt 3.218 tỷ đồng, tăng 109,4% so với cùng kỳ; Thu phí dịch vụ ngoại hối (FX) đạt 731 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.
Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm có sự hồi phục mạnh mẽ ở quý 3, dù 9 tháng đầu năm vẫn giảm 57,1% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng doanh thu phí khai thác mới (APE) trong quý 3 đạt tới 32,1% so với quý trước, đồng thời giành lại vị trí số 1 thị trường về APE ròng. Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư 9 tháng qua cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng phục hồi mạnh trong quý 3 với khoản thu từ phí cao gấp đôi so với quý 2. TCBS tăng thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE từ 5,5% ở quý 2 lên 6,8% vào quý 3 đồng thời giữ vững vị trí thứ 4 về thị phần môi giới chứng khoán.
Ngoài ra, Ngân hàng ghi nhận 1,3 nghìn tỷ đồng thu nhập thuần từ các hoạt động khác, không bao gồm hoàn nhập dự phòng, so với 9,1 tỷ tại cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và khoản lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý 1/2023.
Chi phí hoạt động của Techcombank trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 5,8% lên mức 9,6 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ CIR tăng lên mức 33,2%. Ngân hàng cho biết, riêng trong quý 3, chi phí hoạt động tăng 24,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí khấu hao tài sản cố định khi Techcombank tiếp tục đầu tư vào số hóa và công nghệ đám mây. Cùng với đó, chi phí marketing tăng khi Ngân hàng xúc tiến đẩy mạnh tiếp thị các thương hiệu dành riêng cho các phân khúc khách hàng khác nhau: Private, Priority và Inspire cũng như các hoạt động kỉ niệm 30 năm thành lập.
Chi phí dự phòng tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước, theo đúng dự báo của Ngân hàng. Chi phí tín dụng vẫn được kiểm soát tốt ở mức 0,7%.
CASA tăng quý thứ 2 liên tiếp
Về kết quả kinh doanh, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 ở mức 5.843 tỷ đồng, tăng 3,4% so với quý 2 dù giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đạt 17.115 tỷ đồng, thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống. Trong quý 3 năm 2023, mức độ giảm thu nhập lãi thuần chậm lại ở mức 3,9% từ mức khoảng 19% trong 2 quý trước. Chi phí vốn của Ngân hàng bắt đầu cho thấy sự ổn định, giảm xuống mức 4,7% trong quý 3, từ mức 5,4% trong quý 2 khi thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện.
Tổng tài sản của Techcombank đạt 781,3 nghìn tỷ đồng tại ngày 30 tháng 9 năm 2023, tăng 11,8% so với đầu năm. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 11,4% so với đầu năm, đạt ngưỡng 495,4 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của Techcombank tăng trưởng lành mạnh, phù hợp với hạn mức tín dụng mới nhất được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Tiền gửi của khách hàng đạt 409 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước. Số dư CASA tăng trong quý thứ 2 liên tiếp, đạt 137,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với quý 2, dẫn dắt bởi CASA bán lẻ (tăng 4,9% so với quý trước). Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại, đạt 271,5 nghìn tỷ đồng, ghi nhận tăng 9,2% so với quý trước và 20,1% so với đầu năm. Vì vậy, tỷ lệ CASA trong quý 3 đứng ở mức 33,6%. Điều này cho thấy trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn vì các cơ hội đầu tư ở các loại tài sản hiện vẫn còn hạn chế.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dẫn đầu, nợ xấu duy trì ở mức thấp 1,4%
Nền tảng vốn của Ngân hàng vẫn được quản trị chặt chẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 76,7% tại ngày 30 tháng 9 năm 2023 (so với 80,4% tại ngày 30 tháng 6 năm 2023). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 30,5% (so với 31,6% tại ngày 30 tháng 6 năm 2023), thể hiện nỗ lực tiếp tục giảm tỷ lệ này xuống 30% sau ngày 1 tháng 10 năm 2023 theo quy định.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng ở mức 15,0% vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II.
Chất lượng tài sản của Ngân hàng tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát và phù hợp với dự báo quý 3 năm 2023 về sự hình thành nợ cần chú ý và nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Ngân hàng ở mức 1,4%, trong nhóm thấp toàn ngành. Tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp, tỉ lệ này ở mức 1,3%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giảm theo xu hướng chung của thị trường, về mức 93%, song đây vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ này thuộc nhóm top đầu.
Phương Thảo