Sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử và chỉ số chung nới rộng biên độ giảm. VN-Index khép lại phiên giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong ngày, tương ứng mốc 1.240 điểm, trong khi chỉ số nhóm VN30 thủng mốc 1.300 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 109 mã tăng và 281 mã giảm, VN-Index giảm 9,42 điểm (-0,75%), xuống 1.240,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 575 triệu đơn vị, giá trị 13.933 tỷ đồng, giảm 14,6% về khối lượng và 10,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 69,8 triệu đơn vị, giá trị 1.979,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tiếp tục đóng vai trò là gánh nặng chính khi kết phiên giảm gần 11,5 điểm, với 25 mã giảm và chỉ còn 5 mã tăng. Trong đó, SAB vẫn tăng tốt nhất là 2,1%, còn PLX, VCB, VIB, ACB tăng nhẹ quanh mức 0,5%.

Ngược lại, MWG tiếp tục dẫn đầu khi giảm 2,8% xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 58.100 đồng/CP, nhưng cặp đôi ngân hàng là BID và CTG là gánh nặng lớn nhất, đều lấy đi gần 0,5 điểm của chỉ số chung.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh các mã APH, VCA, AGG, DBT tăng trần từ phiên sáng, trong phiên chiều nay có thêm sự đóng góp của YEG vào “cánh đồng tím”. Đóng cửa, YEG tăng 6,7% lên mức giá trần 12.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 6,22 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,3 triệu đơn vị.

Ngoài điểm sáng là các mã thị giá nhỏ, thị trường đã chứng kiến màn bứt tốc không “mệt mỏi” của một mã thị giá cao, đó là VTP. Mặc dù có thời điểm điều chỉnh giảm gần 1,5%, nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã kéo VTP tăng vọt, đóng cửa ghi nhận mức tăng 6,3% lên đỉnh cao mới 150.900 đồng/CP.

Như vậy, nếu so với thời điểm đáy được xác lập vào giữa tháng 4/2024 tại mức giá 68.000 đồng/CP, thì thị giá hiện tại của VTP đã tăng tới 122%, còn nếu chỉ tính trong khoảng 1 tháng qua thì thị giá đã tăng 70%. Đồng thời, với mức giá hiện tại, cổ phiếu VTP đã lọt vào top 3 mã có thị giá cao nhất trên sàn HOSE.

Xét về nhóm ngành, chỉ còn 4 nhóm thoát khỏi sự điều chỉnh của thị trường chung, trong đó có nhóm năng lượng dù mức tăng chưa tới 0,5% nhờ sự đóng góp đáng kể của GAS.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm sâu nhất khi sắc đỏ lan rộng toàn ngành. Trong đó, VND đóng cửa giảm 3,6% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 13.250 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất, đạt gần 20,5 triệu đơn vị; tiếp theo là VIX giảm 1,7% và khớp 15,76 triệu đơn vị, SSI giảm 1% và khớp 9,14 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng dù “anh cả” VCB ngược dòng nhưng mức tăng chỉ 0,5% đã không thể “gánh team” bởi phần lớn các cổ phiếu trong ngành đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Các nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, dược phẩm, bảo hiểm… cũng đều trong xu hướng giảm nhẹ.

Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn mở cửa phiên chiều giằng co nhẹ, thị trường đã chính thức quay đầu điều chỉnh giảm.

Đóng cửa, sàn HNX có 67 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,3%), xuống 224,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 48 triệu đơn vị, giá trị 859,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,59 triệu đơn vị, giá trị 65,43 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giảm khá mạnh gần 4,5 điểm khi có 20 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Trong đó, L14 vẫn bảo toàn sắc tím, NTP tăng 2,1%, cùng HLD, CEP, SLS, VCS nhích nhẹ; còn DHT giảm mạnh nhất là 3,2%, các mã DTD, PVC, IDC, MBS giảm quanh mức 1,8%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, MST vẫn tăng khá tốt 3,3% và khớp 2,3 triệu đơn vị, AAV tăng 2,7% và khớp 1,81 triệu đơn vị; VC2 tăng kịch trần, DL1 tăng 5,7%, VC7 tăng 2,5% với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán trên HNX cũng dẫn đầu mức giảm. Trong đó, SHS giảm 1,5% xuống mức 12.900 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường với 6,24 triệu đơn vị, MBS giảm 1,8% và khớp 3,3 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, cũng như phiên trước, dù phần lớn thời gian đều giao dịch trong sắc đỏ nhưng chỉ số chung đã trở về “vạch xuất phát” ở phút chót.

Chốt phiên, UPCoM-Index vẫn đứng tại mức tham chiếu 92,44 điểm, khớp lệnh hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 330 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,4 triệu đơn vị, giá trị 267,85Nhưng tỷ đồng.

Đóng góp vào diễn biến tích cực của nhóm năng lượng, cặp đôi BSR và OIL đều có diễn biến tích cực hơn trong phiên chiều. Kết phiên, BSR tăng 1% lên mức 19.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt 2,7 triệu đơn vị; còn OIL đóng cửa tăng 3,4% lên mức 12.100 đồng/CP và khớp 1,73 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó hợp đồng VN30F2412 giảm mạnh nhất là 11 điểm, tương đương -0,8% xuống 1.303 điểm, khớp hơn 208.330 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.770 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ rộng, trong đó CVPN2315 có thanh khoản vượt trội, với 11,72 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 33,3% xuống 20 đồng/cq. Theo sau là CSTB2328 khớp 4,76 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 12,5% xuống 140 đồng/cq.

Hà Trần (t/h)