Theo thống kê, tỉnh Thái Bình hiện có 331 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó 318 hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 4 nuôi trồng thủy sản, 6 hợp tác xã trong lĩnh vực chăn nuôi, 3 hợp tác xã trong lĩnh vực trồng trọt.
Ngoài ra, còn có 1 Liên hiệp hợp tác xã và 130 tổ hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tổng số hộ thành viên trên 413.700 hộ, bình quân trên 1.250 hộ thành viên/hợp tác xã.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình, bình quân mỗi hợp tác xã thực hiện từ 4-5 dịch vụ phục vụ thành viên; trong đó 100% hợp tác xã làm dịch vụ tưới tiêu nước; 96,8% hợp tác xã làm dịch vụ khoa học kỹ thuật; 95,6% hợp tác xã làm dịch vụ bảo vệ thực vật; 83% hợp tác xã làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; 80% hợp tác xã làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; 8,6% hợp tác xã làm dịch vụ bảo quản giống kho lạnh.
Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 1,55 tỷ đồng/năm; trong đó có 12 hợp tác xã đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm, 28 hợp tác xã doanh thu đạt từ 2-3 tỷ đồng/năm, 161 hợp tác xã doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới chỉ có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Đây là con số còn quá ít, chưa tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, để phát huy vai trò của kinh tế tập thể nói chung, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, mới đây tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 341 hợp tác xã và 8 Liên hiệp hợp tác xã nông – lâm – ngư - diêm nghiệp, nâng lãi bình quân của hợp tác xã từ 85 triệu đồng/năm lên 93 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 35 triệu đồng/năm vào năm 2025.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh Thái Bình xác định xây dựng hợp tác xã nông nghiệp hiện đại, lấy hợp tác làm trọng tâm để thúc đẩy các liên kết trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển, cơ cấu kinh tế của địa phương bằng nhiều hình thức liên kết, hợp tác.
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã gắn với sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh về sản lượng, chất lượng, giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm, từ đó sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
PV