Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát hiện 3 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò; chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và bệnh dại trên đàn chó. Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), từ giữa tháng 10 đến nay đã xuất hiện tại 62 hộ chăn nuôi ở 26 xóm thuộc 7 xã trên địa bàn huyện Định Hóa, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công; số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy là 307 con, gồm (24 lợn nái, đực giống; 283 lợn thịt, lợn con); với tổng khối lượng tiêu hủy trên 11.300 kg.
Hiện nay, ổ dịch tại huyện Định Hóa đã được khống chế, đủ điều kiện công bố hết dịch; ổ dịch tại thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên, tình hình có chiều hướng phức tạp. Nhận định trong thời gian tới, bệnh DTLCP có nguy cơ tái phát và lây lan diện rộng. Nguyên nhân tái phát bệnh DTLCP là do vi rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn; việc buôn bán, vận chuyển lợn phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm gia tăng; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến thất thường, mưa rét cũng là yếu tố gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bùng phát
Tại hội nghị, ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ giữa tháng 10 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 3 địa phương gồm huyện Định Hóa, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 307 con lợn của 62 hộ chăn nuôi thuộc 7 xã.
Tại Thái Nguyên, dịch bệnh tại huyện Định Hóa đã tạm thời được khống chế, còn thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao. Nguyên nhân xảy ra được xác định là do virus có sức đề kháng cao, mầm bệnh lưu hành rộng trong quần thể, tồn tại ở các ổ dịch cũ.
Các ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh thành lập đoàn liên ngành, tổ kiểm soát, nhất là những địa phương đang có dịch để giám sát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên cũng nghiêm cấm tình trạng vứt xác động vật ra ngoài môi trường.
Theo ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, hiện tỉnh có khoảng 70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi việc kiểm soát đầu vào con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… còn hạn chế, nên luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn tái phát dịch bệnh. Do vậy, việc quan trọng hiện nay các địa phương trong tỉnh là khẩn trương thực hiện kê khai chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi.
Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Ông Lượng cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ và nắm vững về tình hình diễn biến dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn. Với mục đích thúc đẩy nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tiếp tục thực hiện khẩn cấp, triệt để, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nhằm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Song, việc thông tin, tuyên truyền phải tránh gây hoang mang, nhất là đối với những địa phương đã và đang đủ điều kiện thực hiện tái đàn.
Thái Nguyên cũng là địa phương có tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ cao, chưa áp dụng được đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gây khó khăn trong công tác chống dịch.Trong thời điểm này, nước ta cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, thời tiết, khí hậu đang giao mùa, mưa rét… làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.
Hoàng Thiệp