Vai trò của OCOP trong việc phát triển KTXH và xây dựng NTM

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo NTM phát triển bền vững.

Thái nguyên: OCOP: Gia tăng giá trị các sản phẩm - Động lực xây dựng “Nông thôn mới” bền vững - Hình 1

Lãnh đạo Bộ NN & PTNT, Cục Xúc tiến, Bộ Công thương cùng lãnh đạo Tỉnh, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên  đại diện cắt băng khánh thành khai mạc Hội chợ “Mỗi xã phường một sản phẩm”.

Từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số địa phương. Ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình ‘‘Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Đến tháng 3/2019 có 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Ngày 12/9/2018, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch số 108/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2025”.

Thái Nguyên là trung tâm vùng miền núi phía bắc, có nhiều khu công nghiệp lớn như Sam Sung, Núi pháo…, có hệ thống giao thông thuận lợi cho việc giao thương, mua bán hàng hoá. Bên cạnh đó, Thái Nguyên là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước, với nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín, thu hút hàng vạn sinh viên đến học tập, nghiên cứu... đây là điều kiện lý tưởng để quảng bá, tiêu thụ hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng, là tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Chương trình OCOP.

Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính: 6 huyện, 2 thành phố và 1 thị xã, với 180 xã, phường, thị trấn (139 xã), diện tích 352.664 ha (Đất nông nghiệp: 302.894 ha; Đất phi nông nghiệp: 45.005ha; Đất chưa sử dụng: 4.765 ha). Dân số trên 1,2 triệu người (dân số khu vực nông thôn 796,2 nghìn người, chiếm 64,9%),... Thái Nguyên có trên 800 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, 238 làng nghề truyền thống (trong đó có trên 200 làng nghề chè truyền thống nổi tiếng) đã tạo cho Thái Nguyên tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, sản phẩm dịch vụ du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp, văn hóa truyền thống và lịch sử dân tộc.

Khai thác tiềm năng lợi thế ở địa phương, phát huy năng lực sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong tổ chức sản xuất và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và dịch vụ du lịch nông thôn, tăng thu nhập của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình OCOP với mục tiêu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để sản xuất các sản phẩm truyền thống đạt tiêu chuẩn và có khả năng cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và đồng thời bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Với mục tiêu nêu trên, việc xây dựng và thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 – 2025 là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Thái nguyên: OCOP: Gia tăng giá trị các sản phẩm - Động lực xây dựng “Nông thôn mới” bền vững - Hình 2

 T.P Sông Công đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới

Sản phẩm OCOP là sản phẩm của tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX, THT và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh), gồm 2 loại: Sản phẩm hàng hóa (sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm phi nông nghiệp) và sản phẩm dịch vụ (dịch vụ du lịch, dịch vụ bán hàng). Các sản phẩm này có nguồn gốc từ đặc sản địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, được Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia theo tiêu chí OCOP của Trung ương.

Chu trình OCOP hàng năm được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Sau 10 năm triển khai, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Bộ mặt nông thôn được đổi mới nhờ các thiết chế về hạ tầng được tập trung đầu tư, đã và đang thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tổ chức sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn bước đầu đang phát triển, trong đó đã có một số doanh nghiệp, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Hết năm 2018, tỉnh Thái Nguyên có 88/143 xã đạt chuẩn NTM (bao gồm 04 xã đã lên phường, thị trấn) đạt 61,5%; có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 33,84 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2018 giảm còn 8,47%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 13.030 tỷ đồng,…

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp là một trong những nhân tố chủ lực để thực hiện đề án OCOP. Năm 2018,  toàn tỉnh có 7.260  tổ hợp tác: Toàn tỉnh có 469 hợp tác xã; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là 208; 238 làng nghề truyền thống được công nhận; có 752 trang trại (gồm: chăn nuôi 743; trồng trọt 01; lâm nghiệp 03; thủy sản 04 và 01 trang trại tổng hợp)

Trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm, mở rộng thị trường tiêu thụ, kích cầu tiêu dùng sản phẩm, đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm thông qua các Hội chợ triển lãm, Hội chợ Thương mại Quốc tế, Hội chợ Đặc sản vùng miền, Hội chợ sản phẩm OCOP 2017, 2018, festival chè quốc tế tại Thái Nguyên,... Tập trung phát triển các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các trung tâm giới thiệu sản phẩm, hàng nông sản. Bước đầu đã triển khai bán hàng trên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và ưa chuộng như: Sản phẩm trà, miến dong, bánh chưng...

Các sản phẩm của OCOP

Sự đa dạng và phong phú về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội đã tạo cho  tỉnh Thái Nguyên có nhiều sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, có lợi thế so sánh, có tính độc đáo, đây là điều kiện tốt để phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường (sản phẩm OCOP).

Theo kết quả điều tra, rà soát và báo cáo của các địa phương, Thái Nguyên hiện có 172 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm - trang trí - nội thất; và dịch vụ du lịch, cụ thể:

Thái nguyên: OCOP: Gia tăng giá trị các sản phẩm - Động lực xây dựng “Nông thôn mới” bền vững - Hình 3

Ông Nhữ Văn Tâm. Phó chủ tịch thường trực UBND Tỉnh và ông Nguyễn Ngô Quyết- Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên trao chứng nhận và giải thưởng.

Chương trình MTQG xây dựng NTM được tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển khai tập trung, bài bản, đồng bộ, thu được những kết quả to lớn. Tuy nhiên, sau mười năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định: Mới chỉ tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn thiếu tính bền vững, chưa tạo dựng được thương hiệu. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX chưa cao, chưa thực sự làm cầu nối giữa xã viên với các doanh nghiệp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…trong khi tỉnh có đầy đủ các điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, nhân lực, vật lực,…

Giải pháp thực hiện OCOP  gắn liền với nhiện vụ xây dựng NTM

Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh là cơ quan tham mưu, quản lý và  chủ trì thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai các nhiệm vụ như: tham mưu hoàn thiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 và đã trình HĐND tỉnh thông qua; có văn bản đề nghị các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tham mưu thành lập Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm giai đoạn 2019-2020; hướng dẫn đánh giá các sản phẩm OCOP cho các cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đăng ký; tổ chức tập huấn, đào tạo về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cho cán bộ các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã; tích cực phối hợp chuẩn bị Hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm” năm 2019.

Thái nguyên: OCOP: Gia tăng giá trị các sản phẩm - Động lực xây dựng “Nông thôn mới” bền vững - Hình 4

Mô hình Chè hữu cơ của HTX chè La Bàng, Đại Từ, Thái Nguyên

Thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, sâu rộng bằng nhiều hình thức (phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, hội thảo, hình ảnh, khẩu hiệu, website,…) trong nhân dân để người dân biết và tham gia chương trình. Đưa Chương trình OCOP vào chương trình hành động của cấp ủy các cấp để lãnh đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Các sản phẩm đạt 3-5 sao được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia các Chương trình hỗ trợ xúc tiến cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, các hoạt động chủ yếu gồm:

Xây dựng Trung tâm chuyển giao kỹ thuật và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thái Nguyên (đã được phê duyệt dự án tại Quyết định số 2917/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên) bổ sung thêm chức năng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hỗ trợ hình thành hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp huyện và xã.

Thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình OCOP theo giai đoạn và hàng năm; Chỉ đạo và hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, triển khai Chương trình OCOP ở địa phương; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình OCOP ở các huyện, thành phố, thị xã; Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã các nội dung trọng tâm cần giải quyết như: Nâng cao năng lực tổ chức kinh tế; nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm; xây dựng nhà xưởng, thiết bị; công nghệ; phát triển vùng nguyên liệu; liên kết chuỗi; xây dựng 01 dự án điểm/cấp huyện phát triển sản phẩm OCOP (các nội dung cần thực hiện tùy từng sản phẩm cụ thể).

 Chủ trì thực hiện dự án xây dựng trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh để lựa chọn sản phẩm, phân bổ kinh phí hỗ trợ các điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm cấp huyện, cấp xã (biển quảng cáo, kệ, giá trưng bày,..); Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức hội chợ cấp tỉnh và tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; Huy động nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư, các nhà tài trợ hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; Hỗ trợ các tổ chức kinh tế công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp...

Chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm để tổ chức, đánh giá xếp hạng sản phẩm;Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đánh giá, tổng kết thực hiện Đề án OCOP giai  đoạn 2019 -  2025.

Thái nguyên: OCOP: Gia tăng giá trị các sản phẩm - Động lực xây dựng “Nông thôn mới” bền vững - Hình 5

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên thông tin tại họp báo

Việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ lợi ích người sản xuất và tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP và thực hiện công tác quảng bá xúc tiến thương mại sẽ làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm từ 20% trở lên.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, là giải pháp quan trọng khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng có lợi thế của các địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, thu hút lao động, vốn đầu tư vào khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nông thôn theo chiều sâu và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn, thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh.

Hoàng Thiệp