Đẩy mạnh công nghiệp - thương mại - dịch vụ
Trên địa bàn huyện, có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Tày. Nhân dân Định Hóa luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của ông cha, bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể.
ATK Định Hóa được công nhận là Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia vào ngày 20/5/2012, tại đây, các di tích được bảo tồn gần như nguyên trạng. Qua đó, khách thăm quan có thể cảm nhận được phần nào những gian khổ, khó khăn nhưng cũng rất hào hùng mà Bác Hồ và các đồng chí cán bộ lão thành, chiến sỹ cách mạng đã trải qua.
Huyện đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, lễ hội truyền thống của địa phương và đất nước. Lễ hội diễn ra trang trọng, đúng bản sắc, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách đến tham gia. Các di tích trên vùng đất cách mạng ATK Định Hóa trở thành điểm hành hương về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, cũng là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Du khách nghe hướng dẫn viên Nhà Trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa giới thiệu về Di tích lán Tỉn Keo.
Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành của tỉnh, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, huyện Định Hóa đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực.
Tình hình sản xuất CN-TTCN, kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Giá trị sản xuất CN-TTCN 6 tháng đầu năm, ước đạt 139 tỷ đồng (giá hiện hành), bằng 49,6% kế hoạch, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu cấp trên, triển khai thu hút đầu tư vào 3 CCN đã được quy hoạch (CCN Kim Sơn đã được quy hoạch chi tiết 20 ha); triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển CN-TTCN, làng nghề và thương mại - dịch vụ, phục vụ du lịch giai đoạn 2016 - 2020”, phân kỳ 2019; tổ chức thống kê, rà soát các cơ sở sản xuất cần hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Phấn đầu duy trì tốc độ tăng trưởng ngành CN-TTCN 12,5% năm.
Mặt khác, huyện tăng cường duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các tuyến giao thông. Từ khi đường Hồ Chí Minh nối từ chợ Mới đến trung tâm chợ Chu (Định Hóa) đi chợ Mới, Bắc Kạn, Công ty CP TM&DL Hà Lan đưa vào hoạt động mở thêm tuyến xe Bus số 30 từ Đại đội TNXP 915 Gia Sàng đi ATK Phú Đình và ngược lại, đã tạo thuận tiện vận tải hành hóa và đi lại cho nhân dân.
Những cây trồng tạo nên thương hiệu
Bên cạnh công tác chỉ đạo sản xuất kịp thời, sát sao, hiệu quả của chính quyền địa phương, sản xuất nông - lâm nghiệp có những chuyển biến tích cực. Mục tiêu nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương mà thiên nhiên ban tặng (điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với rất nhiều loại cây trồng), trong đó phát triển các loại cây quế, chè, lúa (gạo Bao Thai)…
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và địa phương đến thăm, động viên và kiểm tra dự án trồng cây quế tại Định Hóa
Đặc tính cây quế, sinh trưởng phát triển tốt trên đất nhiều mùn, tơi xốp, ẩm, đất đỏ vàng, đất vàng, tầng đất mặt dày trên 50 cm, đất phục hồi sau nương rẫy, còn cây bụi mọc rải rác. Đây là điều kiện phù hợp của Định Hóa nên việc đưa cây quế là cây dược liệu vào phát triển kinh tế đồi rừng là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với quy định của Nhà nước, quy hoạch của tỉnh và của huyện. Cây quế đem lại hiệu quả cao, cả về kinh tế và phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong huyện.
Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt chương trình trồng quế trên địa bàn. UBND huyện luôn xác định đây là chương trình quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng với chủ đầu tư (BQL rừng ATK Định Hóa) phối hợp với UBND các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các hộ dân thực hiện việc trồng quế đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết với chủ tịch UBND huyện về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình trồng quế.
Kết quả đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, có sự tham gia của DN (Công ty TNHH Vũ Hoa), vừa hỗ trợ bằng hình thức cho vay cây giống không tính lãi và cam kết thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho các hộ tham gia dự án. Từ đó, các gia đình yên tâm tham gia trồng quế.
BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về đẩy mạnh thực hiện trồng cây quế và triết xuất các sản phẩm từ cây quế giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030; Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể đối với chương trình trồng quế; UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 136/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ huyện, trong đó đã xác định mục tiêu cụ thể, thành lập BCĐ thực hiện chương trình trồng cây quế của huyện.
Qua 4 năm triển khai dự án trồng quế trên địa bàn huyện, tổng diện tích đã trồng là 1.869,67 ha với 2.711 hộ dân tham gia, (năm 2015: 104 ha, năm 2016: 674,98 ha; năm 2017: 501,5 ha; năm 2018: 589,19 ha). Năm 2019, đã triển khai thực hiện thiết kế được 394 ha quế/300 ha kế hoạch giao, đến nay, đã cấp cây giống trồng được 60 ha, diện tích còn lại sẽ chuyển trồng vào vụ thu tháng (8,9,10).
Kiểm tra cây quế giống tại vườn ươm
Từ cuối năm 2018, UBND huyện tổ chức đoàn thăm quan, học tập kinh nghiệm về trồng quế tại huyện Văn Yên (Yên Bái) cho 120 người gồm đại biểu huyện, đại diện các hộ gia đình trồng quế trên địa bàn huyện tham gia. Bà con thấy được giá trị của cây quế nên đã tự giác trồng quế (nhiều hộ dân còn chủ động mua cây giống về trồng). Theo đó, diện tích gieo cấy lúa vụ xuân năm 2019, đạt 4.025,8/3.998 ha, bằng 100,7% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông - xuân ước đạt 25.108,6 tấn, bằng 48,9% kế hoạch năm 2019.
Trồng và sản xuất chè, được chú trọng; công tác chỉ đạo chăm sóc, sản xuất thâm canh theo mô hình liên kết được quan tâm. Các làng nghề chè, các HTX, tổ hợp tác sản xuất chè được duy trì và phát triển, sản phẩm chè của huyện đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ước 6 tháng đầu năm, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt 10.000 tấn, bằng 40% kế hoạch năm; trồng mới theo đúng quy trình kỹ thuật trên địa bàn với diện tích 160 ha. Đã tổ chức cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 60 ha; triển khai 2 lớp tập huấn về chế biến chè xanh; hỗ trợ thực hiện 10 điểm tưới tiết kiệm nước, mỗi điểm từ 0,3 ha trở lên... Công tác bảo vệ, phát triển rừng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác trồng rừng năm 2019. Toàn huyện đã thiết kế trồng rừng mới 794 ha, đã trồng đạt 210 ha, đạt 21% kế hoạch.
Du khách đến thăm Khu du lịch ATK Định Hóa, có cơ hội thưởng thức đặc sản nổi tiếng là gạo và các sản phẩm từ gạo Bao Thai Định Hóa (gBTĐH) như mỳ gạo, bánh phở, bún, cơm lam... Để đảm bảo quyền lợi của nông dân sản xuất và chế biến gạo, đồng thời tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, huyện Định Hóa đã xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Gạo Bao Thai Định Hóa” năm 2007.
Hoàng Thiệp