Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Để đạt được những kết quả nổi bật nêu trên là có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND và Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020; tinh thần chủ động của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự chung tay, góp sức hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân.
Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và các Bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hoá bằng nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình phù hợp với tình hình thực tế địa phương, như: Phê duyệt danh sách 13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019; Tiếp tục xây dựng 09 xã “Nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2016-2020; phân bổ vốn ngân sách Trung ương (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp), ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2019; Phê duyệt phương án hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới năm 2019 với tổng khối lượng 75.000 tấn; Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các xã trên địa bàn tỉnh; Ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.
Tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới
Thực tiễn cho thấy, Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh, đạt nhiều kết quả rất tích cực. Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, trọng tâm là vận động các tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động như: Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Thái Nguyên tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”,“5 không, 3 sạch”,...Cùng với công tác quán triệt, tuyên truyền Thái Nguyên tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cách thức triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; qua đó giúp cho việc tổ chức triển khai thực hiện rất đồng bộ, hiệu quả.
Để hướng tới mục tiêu xây dựng NTM một cách bền vững, Thái Nguyên rất quan tâm chú trọng đến công tác quy hoạch NTM. Chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng NTM (nhất là quy hoạch sản xuất phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng và cấp tỉnh); đôn đốc công tác cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch được phê duyệt. Đến nay có 51 xã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; 118 xã cắm mốc chỉ giới quy hoạch; 63 xã quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 16 xã quy hoạch chi tiết khu phát triển sản xuất tập trung.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến tháng 5/2019, có: 98/139 xã đạt tiêu chí Giao thông (70,5%); 125 xã đạt tiêu chí Thủy Lợi (89,93%); 139 xã đạt tiêu chí Điện (100%); 120 xã đạt tiêu chí Trường học (87,1%); 81 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (58,3%); 132 xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (95%); 126 xã đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông (90,65%) và 106 xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư (76,3%).
Tích cực triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án Quản lý và giết mổ động vật tập trung, Dự án ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung (vùng chè, cây ăn quả, rau, cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao,...). Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, phát triển nhân rộng các vùng sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa. Hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm, phát triển nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Số hợp tác xã nông nghiệp liên tục tăng, có nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động. Đang hoàn thiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 để trình cấp có thẩm quyền thông qua.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá - xã hội và môi trường được quan tâm thực hiện tốt. Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo Đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Chương trình nhằm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; công tác khám chữa bệnh BHYT được triển khai đến tuyến xã đã góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng NTM trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tổ chức phân loại, tự xử lý rác thải ngay tại gia đình; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, đưa vào nơi quy định. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường. Đến nay có: 135 xã đạt tiêu chí Giáo dục (97,1%), 135 xã đạt tiêu chí Y tế (97,1%), 131 xã đạt tiêu chí văn hóa (94,2%), 92 xã đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm (66,19%).
Công tác xây dựng hệ thống chính trị, Quốc phòng và An ninh được quan tâm chú trọng. Tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng; thực hiện tinh giản biên chế, kiện toàn đối với những cán bộ, công chức không đảm bảo tiêu chuẩn chức danh; tổ chức thi tuyển công chức, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức xây dựng chính quyền cấp xã. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Chủ động đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn. Đến hết tháng 5/2019, có 110 xã đạt tiêu chí Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, 122 xã đạt chuẩn tiêu chí Quốc phòng và an ninh (87,8%).
Lãnh đạo TP Sông Công (Thái Nguyên) trao bằng công nhận xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cho xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn
Kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao. Thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay có 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 16,12 tiêu chí/xã; 07 xóm: Bến 1 và Bến 2 (xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên), xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai), xóm Bãi Bằng, xóm Gốc Gạo (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương), xóm Ao Trám (xã Động Đạt, huyện Phú Lương), xóm Vinh Quang 2 (xã Vinh Sơn, TP Sông Công) đã được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu có 13 xã đạt chuẩn NTM; tiếp tục xây dựng 09 xã “Nông thôn mới kiểu mẫu”giai đoạn 2016-2020; Thị xã Phổ Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã công nhận đạt chuẩn NTM theo tiêu chí xã nâng cao và xã NTM kiểu mẫu; tăng số tiêu chí đạt chuẩn đối với các xã còn lại. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Thái Nguyên đã đề ra những giải pháp rất thiết thực, cụ thể đó là:
TP. Sông Công đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM năm 2018
Đối với nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2019 sẽ cân đối, bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn cần đạt chuẩn ngay từ đầu năm. Triển khai thực hiện đối với các tiêu chí khác theo quy chuẩn xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu... Các mô hình phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực,...
Đối với nhóm xã đã đạt chuẩn NTM, xã xây dựng “nông thôn mới kiểu mẫu”. Xây dựng kế hoạch đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2017-2020, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Nhóm các xã còn lại tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh... làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn NTM theo lộ trình đề ra.
Trong năm 2019, Thái Nguyên phấn đấu sẽ thực hiện hoàn thành thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Để làm được điều đó, ngoài sự phấn đấu của Ban điều phối XD NTM, cần có sự nỗ lực, chung tay XD NTM của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, cần có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể chính trị của tỉnh hỗ trợ về đường lối, chủ trương, chính sách bằng nhân lực và vật lực.
Trước hết, phân công các cán bộ cấp ủy viên, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2019; tăng vốn đầu tư từ NS tỉnh và tiếp tục hỗ trợ xi măng để các địa phương triển khai XD kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí từ NS tỉnh hỗ trợ cho các địa phương: XD “xã NTM kiểu mẫu”; thực hiện đề án SX liên kết theo chuỗi giá trị và Đề án “Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025”. UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động, tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện chương trình.
Tỉnh chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở lựa chọn nội dung hoặc lĩnh vực cụ thể, để đăng ký XD mô hình điểm tại các xã... Từ đó, phấn đấu Thái Nguyên sẽ hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM trước thời hạn; đồng thời, trở thành điểm sáng trong chương trình xây dựng NTM của cả nước.
Đồng thời tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM. Tăng cường huy động nguồn vốn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác tối đa, hợp lý, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Phân bổ kịp thời, đúng quy định và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng NTM.
Với những mục tiêu đề ra rất cụ thể gắn với từng giải pháp trên từng lĩnh vực, tin tưởng rằng tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện hoàn thành thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra; đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của khu vực trung du miền núi phía Bắc và của cả nước.
Hoàng Thiệp