Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thái Nguyên thuộc vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh có diện tích tự nhiên 3.533 km2, dân số trên 1,2 triệu người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Với truyền thống Anh hùng trong kháng chiến, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, chính quyền và người dân Thái Nguyên đã xây dựng quê hương ngày càng phát triển xứng đáng với vai trò, vị trí là trung tâm của vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Hiện nay, Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng, gồm đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Thái Nguyên - Chợ Mới, Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên - Lưu Xá - Kép. Hệ thống giao thông đường thủy có sông Cầu, sông Công, cảng Đa Phúc có thể đáp ứng các tàu, thuyền có trọng tải 600 tấn. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước với 9 trường đại học, trên 25 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, 52 cơ sở dạy nghề với khoảng 140.000 học sinh, sinh viên trong và ngoài nước (đứng sau Hà Nội và TP. HCM); là trung tâm y tế lớn với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, 25 bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc tỉnh.Thái Nguyên, có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử quốc gia Đại đội Thanh niên xung phong 915, Khu du lịch Hồ Núi Cốc và trên 800 điểm di tích.

Tỉnh có 6 khu công nghiệp, diện tích gần 1.500 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65%. Trong đó, có Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (thuộc Tập đoàn Samsung), đầu tư tại Việt Nam; quy hoạch 35 cụm công nghiệp với diện tích 1.259 ha, trong đó có 23 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích 894 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 39,2%. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, cùng với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị qua từng năm. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm.

Trước nhiệm vụ đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 12 - 13% giai đoạn 2011 - 2015 và trên 10% giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực triển khai chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu ấn tượng. Địa phương không chỉ phát huy các ngành công nghiệp luyện kim, khai thác mỏ truyền thống, mà còn phát triển mạnh các khu công nghệ cao quy mô lớn. Tỉnh đã và đang đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Trong đó, cây chè, phát triển theo hướng trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương; đưa sản phẩm chè tham gia vào chuỗi giá trị nông sản được tiêu thụ trên toàn cầu để thế giới biết đến thương hiệu chè Việt Nam nói chung và đặc sản chè Thái Nguyên nói riêng.

Thủ đô gió ngàn – Thành phố Thép: Chuyển mình “bắt sóng” hội nhập - Hình 1

Một phần Thành phố Thái Nguyên từ trên cao

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân từ 2011 - 2018 tăng 14,9% (năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%); dự tính năm 2019 - 2020, tăng 8 - 9%; bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 tăng 13,6%, vượt mục tiêu quy hoạch đề ra là tăng 10% giai đoạn 2011 - 2020. GRDP bình quân đầu người tăng từ 21 triệu đồng/năm (2010) lên 77,7 triệu đồng/năm (2018), gấp 3,7 lần; dự kiến đến 2020, đạt 90 triệu đồng/người, vượt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng từ 2.725,3 năm 2010, lên 15.023 tỷ đồng năm 2018, tăng gấp 5,5 lần và tăng bình quân hàng năm là 23,8%...

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp: Năm 2010 so với 2018 (2010/2018), khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 35,7%/57,2%; khu vực dịch vụ chiếm 43,8%/31,9%; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,5%/10,9%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 92,1% năm 2010, đã tăng lên chiếm 99% năm 2018 trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản, bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2018 là 7,0%/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 6,8%/năm, lâm nghiệp tăng 11,2%/năm, thủy sản tăng 8,4%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” - đã tạo sức lan tỏa rộng khắp với tổng các nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2011 - 2018 là 41.975,45 tỷ đồng; Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 88/100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển mạnh, tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thuộc Tổ hợp Samsung và công nghiệp phụ trợ; khu vực kinh tế trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá, đặc biệt là khu vực kinh tế dân doanh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2018 là 50,9%/năm; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 52,4%/năm. Về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tính đến năm 2018, các khu công nghiệp đã thu hút 187 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 7,1 tỷ USD và trên 14.000 tỷ đồng (trên địa bàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 7.635,03 triệu USD, tổng vốn thực hiện 7.000,8 triệu USD).

Thủ đô gió ngàn – Thành phố Thép: Chuyển mình “bắt sóng” hội nhập - Hình 2

Nhà máy Sam Sung Phổ Yên, Thái Nguyên: Nơi thu hút hàng vạn công nhân và góp phần quan trọng cho sự chuyển dịch nền kinh tế của địa phương.

Thị xã Phổ Yên là địa phương điển hình trong việc thu hút đầu tư và chuyển dịch nền kinh tế của tỉnh. Từ một huyện lấy nông nghiệp là thế mạnh của mình thì nay Phổ Yên đã trở thành một thị xã có các khu công nghiêp và cụm công nghiệp lớn của tỉnh Thái Nguyên. Sự đầu tư của Tập đoàn Samsung vào 2 nhà máy SEVT và SEMV cũng thu hút lượng lớn chuyên gia, quản lý trong, ngoài nước và hang trục nghìn công nhân từ các địa phương khác đến làm việc. Thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ nhà máy Sam Sung. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch gắn đầu tư đổi mới với bảo vệ môi trường. Thị xã sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm như: Khu công nghiệp Yên Bình I mở rộng (136ha); Khu công nghiệp Yên Bình giai đoạn 2 (64ha); Trung tâm dịch vụ thể thao Golf Yên Bình (48,3ha); Khu công nghiệp Điềm Thụy phần diện tích 180 ha...

 Thái Nguyên thực hiện tốt việc huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2018 trên địa bàn tỉnh, đạt 373.535 tỷ đồng. Việc phát triển khu vực doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã thu hút tăng nhanh cả về chất và về lượng. Cụ thể, chỉ qua 3 năm (2016 - 2018), số thành lập mới đã tăng trên 1.500 doanh nghiệp, nâng tổng số từ 5.000 doanh nghiệp (năm 2015), lên 6.598 doanh nghiệp (năm 2018) với tổng số vốn đăng ký trên 82.315 tỷ đồng; doanh nghiệp FDI là 129 với tổng vốn đăng ký 7.545 triệu USD...

Để có được điều này, UBND tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Quy hoạch, nâng cấp đô thị, xây dựng được quan tâm thực hiện, trong đó trọng tâm là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và trung tâm thị trấn của các huyện. Hệ thống đô thị toàn tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tổng số toàn tỉnh đạt 12 đô thị, trong đó loại I là 1 đô thị, loại III là 1 đô thị, loại IV là 1 đô thị, loại V là 9 đô thị...

Trong những năm tới, Thái Nguyên phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng Trung du miền núi phía Bắc với kinh tế hiện đại, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững; là trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn trong nước, có các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc Việt Bắc - vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần có sự nghiên cứu, bổ sung chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI; tạo mối liên kết vùng, xử lý các vấn đề môi trường, lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030…

Hoàng Thiệp