Các hoạt động thực hiện Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa

 Ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức hoạt động nằm trong chuỗi nội dung hoạt động thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” theo quyết định của UBND tỉnh; Chương trình tập huấn “Bảo tồn và phát triển các làng nghề chè tỉnh Thái Nguyên”; “Kỹ năng truyền dạy biểu diễn nghệ thuật trình diễn dân gian trong cộng đồng”, tổ chức tại xã La Bằng (huyện Đại Từ); chuyến Farm Trip khảo sát, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên; Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên”.

Đ/c Nguyễn Thị Mai – G/Đ Sở VH TT & DL phát biểu tại Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh TN”.Đ/c Nguyễn Thị Mai – G/Đ Sở VH TT & DL phát biểu tại Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh TN”. (Ảnh: Hoàng Thiệp)

Thái Nguyên là tỉnh có nghề trồng chè nổi tiếng trên cả nước với những vùng chè nổi tiếng, cả về chất lượng cũng như cảnh đẹp. Trong đó, phải kể đến: Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên); vùng chè La Bằng (huyện Đại Từ); vùng chè Sơn Phú (huyện Định Hóa)… với những đồi chè bát úp, mâm xôi, uốn lượn theo triền đồi… đầy quyến rũ du khách. Đặc biệt, các vùng cảnh quan này gắn với các địa danh nổi tiếng về danh lam thắng cảnh đẹp tự nhiên, hoang dã: Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa; hệ thống các hang động như hang Huyện, hang Sa Khao, hang Ốc, thắng cảnh Thác Nậm Rứt, hang suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng… huyện Võ Nhai), hang Chùa, thác Tiên…(huyện Đồng Hỷ), Thác Kẹm, suối Cửa Tử, hồ Vai Miếu, thác Đát Ngao, câu chuyện tình huyền thoại chàng Cốc nàng Công, hồ Núi Cốc mênh mông sóng nước soi bóng những nương chè (huyện Đại Từ)...

Cùng với tài nguyên tự nhiên như một quà tặng mà thiên nhiên ban tặng cho Thái Nguyên, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của con người nơi đây đã sáng tạo ra rất phong phú, đa dạng - tạo nên những sắc thái văn hóa đặc sắc, riêng có ở Thái Nguyên - miền văn hóa với các nhịp điệu rộn ràng của nhịp gõ Tắc xình, giọng Then ngọt ngào, câu Sli, câu Lượn đắm say phảng phất mùi nếp nương hay tiếng khèn Mông, tiếng sáo réo rắt...

Đến với Thái Nguyên để lạc vào hương trà nồng nàn với những nương trà biếc xanh. Thái Nguyên lại gần với Thủ đô Hà Nội, rất thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi - đây là những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Những năm qua, được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, cùng sự tâm huyết hỗ trợ của các nhà khoa học, các hãng du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh, sự nỗ lực của ngành văn hóa - thể thao và du lịch, những giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống của Thái Nguyên đã và đang được bảo tồn hiệu quả - là nguồn nguyên liệu quan trọng giúp ngành du lịch của tỉnh có những bước phát triển và khởi sắc.

Đ/c Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở VH TT & DL cho Đ/c Nguyễn Thị Mai (áo xanh)Đ/c Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở VH TT & DL cho Đ/c Nguyễn Thị Mai (áo xanh)

Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã đón trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên, để so sánh số lượng du khách tới các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng nói riêng, thì Thái Nguyên chưa thực sự thu hút đông đảo du khách tới tham quan, du lịch, để từ đó phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, cảnh quan riêng có và nghề thủ công truyền thống của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tiến hành kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh để tiếp tục nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đề xuất xếp hạng, ghi danh trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ về KH-KT, sự phát triển về KT-XH của tỉnh, các địa phương trên địa bàn đã có sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, các giá trị văn hóa mới được các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên tiếp thu và sử dụng ngày càng nhiều hơn như trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục cưới xin, xây dựng nhà cửa... Bên cạnh những mặt phát triển tích cực, văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên cũng đang đứng trước thách thức lớn đó là sự mai một những giá trị văn hóa tiêu biểu truyền thống. Vì vậy, cần có giải pháp bảo tồn để phát huy các giá trị vốn có, hướng tới khai thác tiềm năng du lịch, tạo công ăn, việc làm, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch phát triển 5 - 10 năm tới. Bên cạnh những hoạt động thường xuyên, ngành đã và đang lựa chọn một số công việc nổi bật theo đúng định hướng, nhằm tiếp tục phối hợp, liên kết, liên ngành với các cơ quan liên quan của tỉnh Thái Nguyên và ở Trung ương trong việc phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng những năm tới.

Quản lý và bảo vệ cảnh quan văn hóa chè Thái Nguyên

Đối với địa bàn 5 huyện vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, đội ngũ thực thi công tác bảo tồn di sản văn hóa chè trong lĩnh vực này bao gồm: Các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, trong đó có những nhà nghiên cứu  lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Rừng cọ đồi chè tạo nên nét thơ mộng tạo sức hút cho du khách nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái NguyênRừng cọ đồi chè tạo nên nét thơ mộng tạo sức hút cho du khách nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên

Cơ bản đội ngũ này nằm trong các cơ quan nghiên cứu tại Hà Nội hoặc TP. Thái Nguyên (Viện Bảo tồn di tích, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Dân tộc học, Bảo tàng Dân tộc học…); những người thợ làm công tác thi công (bao gồm cả thợ mộc, nề... thi công tu bổ, phục chế các sản phẩm truyền thống và những người thi công tu bổ di tích). Thực tế, tại mỗi địa phương cũng có một số thợ nghề, nghệ nhân tham gia xây dựng công trình hay chế tác các sản phẩm thủ công của dân tộc mình.

Những nghệ nhân tại địa phương có thể chia làm 2 loại chính: Những người trình diễn, thực hành nghi lễ (người chơi đàn Tính, hát Then, thầy Mo, thầy Tào...); những người chế tác sản phẩm thủ công: (người làm rối cạn, người làm đàn tính, người may, đan trang phục hay các mặt hàng nông cụ...).

Năm huyện miền núi Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương của tỉnh Thái Nguyên khá đa dạng về địa hình, thành phần dân cư, kéo theo đó là sự đa dạng về đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể. Tại mỗi huyện đều có một khối lượng di sản văn hóa khá phong phú, nhiều di sản trong số đó đã được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn quá mỏng, trình độ chuyên môn lại không đồng đều nên để làm tốt công tác bảo tồn di sản thì nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng càng trở nên cấp thiết.

Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của Việt Nam, với diện tích chè hơn 18.500 ha, trong đó có gần 17.000 ha chè kinh doanh, năng suất đạt 109 tạ/ha, sản lượng đạt gần 185.000 tấn. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, trong đó có việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Cây chè là sản phẩm mang lại thương hiệu cho Thái Nguyên đồng thời góp phần “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh TN”. (sản phẩm trưng bày của HTX Tâm Trà Thái)Cây chè là sản phẩm mang lại thương hiệu cho Thái Nguyên đồng thời góp phần “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyềnthống và nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh TN”. (sản phẩm trưng bày của HTX Tâm Trà Thái)

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng diện tích trồng chè của Thái Nguyên vẫn luôn tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây. Đặc biệt, qua thời gian, người dân vẫn giữ gìn được truyền thống đặc trưng trong sản xuất, chế biến, thưởng thức chè… để kết tinh, hội tụ thành những giá trị, chuẩn mực văn hóa.

Hoàng Thiệp