Tháng 1/2019, vốn FDI tăng 9,2% so cùng kỳ - Hình 1 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo "hút" FDI 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong tháng 1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến ngày 20/01, có 226 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018, có 72 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 340,2 triệu USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng trong tháng 1 còn có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 761,9 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 72 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 384,91 triệu USD và 417 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 376,97 triệu USD.

Tổng cục Thống kê cho biết, vốn FDI của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 591 triệu USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành vận tải, kho bãi đạt 65,3 triệu USD, chiếm 8,1%.

Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 59,2 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 89,5 triệu USD, chiếm 11,1%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2019 đạt 915,7 triệu USD, chiếm 80% tổng vốn đăng ký; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 72,2 triệu USD, chiếm 6,3%; ngành vận tải, kho bãi đạt 65,4 triệu USD, chiếm 5,7%; các ngành còn lại đạt 92 triệu USD, chiếm 8%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 274,6 triệu USD, chiếm 36% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 169,5 triệu USD, chiếm 22,3%; các ngành còn lại đạt 317,8 triệu USD, chiếm 41,7%.

Ngay từ đầu năm 2019, Nhật Bản đã “rót” vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư, dẫn đầu 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Minh chứng là Dự án Công ty TNHH Kyoshin (Việt Nam) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngày 17/01/2019 tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD. Đây là dự án được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 1995 với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu. Hay như Dự án Katolec Global Logistics Việt Nam được đầu tư bởi Katolec Corporation (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam; Dự án Nhà máy Sews-Components Việt Nam II, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Hưng Yên…

Đứng vị trí thứ 2 là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 349,1 triệu USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 307,8 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư.

Cả nước có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong tháng 1/2019, trong đó Hải Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 124,9 triệu USD, chiếm 15,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nam 118,3 triệu USD, chiếm 14,7%; Tây Ninh 90 triệu USD, chiếm 11,2%; Bình Dương 87,7 triệu USD, chiếm 10,9%...

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2019 có 4 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 1,05 triệu USD; có 1 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 200 nghìn USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong tháng đạt 1,25 triệu USD.

Đinh Hoàng