Nói là vui, vì trước thềm năm học mới, tỉnh Thanh Hóa đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Qua tổng kết, nhiều mô hình, cách làm đã được chỉ ra, tạo động lực thôi thúc sự phấn đấu trong toàn ngành. Ở thời điểm này, nhiều vấn đề liên quan đến ngành cũng dần lắng dịu, dư luận không còn nhiều bức xúc, nhất là với việc dạy thêm, học thêm, thay đổi sách giáo khoa, đánh giá năng lực qua thi cử...
Đây cũng là năm toàn ngành đi gần hết một lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, mọi việc dần đi vào nền nếp, giáo viên đã có thêm những kinh nghiệm để việc giảng dạy tốt hơn.
Tuy nhiên, cái khó với ngành giáo dục và đào tạo vẫn là những vấn đề có tính cố hữu, chưa thể có biện pháp khắc phục hữu hiệu ngay được. Công tác chuẩn bị cho năm học mới dù đã và đang được triển khai tích cực, nhưng như câu chuyện đến hẹn lại lên, việc sửa chữa cơ sở vật chất vẫn phải chạy đua với thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết mùa mưa bão, để kịp cho việc tựu trường.
Nhưng dù có cố gắng đến mấy, thì cũng khó để có một cơ sở vật chất đảm bảo cho việc đón học sinh trở lại ở tất cả các nhà trường, điểm trường. Việc khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí, phức tạp trong các thủ tục giải ngân đã làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, nhiều cơ sở vật chất không hoàn thành kịp ngày khai giảng. Việc này dường như năm nào cũng thế, trong khi số trường hư hỏng, xuống cấp thì ngày càng nhiều hơn.
Còn là sự lo lắng về đội ngũ giáo viên khi tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở rất nhiều địa phương đe dọa đến chất lượng dạy học. Giải trình tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XVIII giữa tháng 7/2023, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã đưa ra các biện pháp như tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn về thủ tục để tuyển dụng viên chức ngành giáo dục; là hợp đồng với giáo viên mới ra trường, giáo viên đã về hưu có năng lực, sức khỏe...
Kế hoạch là thế, nhưng không dễ để có thể giải quyết ngay trong đầu năm học này. Con người gắn liền với chế độ, chính sách, luôn là câu chuyện khó lâu nay. Một vấn đề rất đáng nói nữa đó là công tác phối hợp trong quản lý nhà nước giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính với UBND các huyện, thị xã, thành phố còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của giáo dục các địa phương.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đỗ Trọng Hưng, một lần nữa nhắc lại quan điểm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định; đồng thời đặt ra 5 nhiệm vụ cho ngành giáo dục và đào tạo cũng như cho các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.
Từ những vấn đề đã được nhận diện và đặt ra, đòi hỏi các ngành, địa phương, nhất là ngành giáo dục và đào tạo phải khẩn trương đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất là bám sát 5 nhiệm vụ mà Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh, trước mắt là trong năm học 2023 - 2024.
PV (T/h)