Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị một số nội dung về cơ chế, chính sách, thủ tục hỗ trợ nguồn vốn cho phục hồi sản xuất, điển hình như: Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, nhất là với các lĩnh vực sản xuất đang được ưu tiên phát triển; tăng thời hạn đảo nợ; đơn giản thủ tục thẩm định tài sản cho vay; thẩm định giá trị tài sản đúng với giá trị thực tế của thị trường…

Đại diện lãnh đạo các ngân hàng đã chia sẻ những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp; đồng thời giải trình nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, như: Nguồn lực về vốn của các ngân hàng thương mại còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu...

Trong khi, các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường năng lực tài chính hạn chế, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Việc xây dựng phương án kinh doanh, báo cáo tài chính vẫn còn thiếu, chưa rõ ràng... ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh. Việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản bảo đảm cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Sau các thảo luận tại hội nghị, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận các đề xuất của cả phía doanh nghiệp và ngân hàng. Từ đó, sẽ tổng hợp, kiến nghị về các cơ chế, chính sách rõ ràng nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi, để khôi phục sản xuất, kinh doanh tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa được tổ chức sắp tới.

Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hầu như doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, bởi việc yêu cầu tài sản thế chấp (thường là bất động sản) đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn lớn cho việc vay vốn.

Hoài Thu