bàn giải pháp để Hội Nông dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh.Bàn giải pháp để xây dựng vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu cây gai tập trung gắn với Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy; kế hoạch thực hiện năm 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây gai xanh; xây dựng nội dung, giải pháp tuyên truyền việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh tập trung gắn với Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy; tiếp thu cơ chế, chính sách của Nhà máy trong việc hỗ trợ phát triển cây gai xanh.

Bám sát định hướng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ chế biến, các địa phương trong vùng quy hoạch đã tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người trồng gai.

Tại một số địa phương có diện tích trồng gai tập trung đã quan tâm đầu tư thâm canh, vì thế giá trị, hiệu quả sản xuất cây gai đạt khá, lợi nhuận thu được từ 45-50 triệu đồng/ha/năm đối với gai trồng năm đầu và trên 80 triệu đồng/năm đối với gai trồng từ năm thứ 2, cao hơn hẳn so với các cây trồng trên cùng chân đất như sắn, keo, mía, cao su…

Sản phẩm chính của cây gai đảm bảo đầu ra ổn định, các sản phẩm phụ của cây gai được tận thu, bán cho các nhà máy chế biến phân bón hữu cơ, tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Gai là cây trồng một lần cho thu hoạch nhiều lần, nhiều năm, góp phần giảm chi phí đầu tư và thâm canh cải tạo đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại hội nghị đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc phát triển cây gai trên địa bàn tỉnh, đó là: Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất cây gai còn nhiều hạn chế, nhất là khâu giống, đầu tư thâm canh, tưới, cơ giới hóa. Cùng với đó, chi phí đầu tư năm đầu còn cao, phương thức thanh toán chậm, giá mua thấp. Quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy của Công ty An Phước còn chậm tiến độ dẫn đến người trồng gai chưa yên tâm đầu tư sản xuất…

Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu cây gai xanh trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh đề nghị các cấp Hội Nông dân, đặc biệt là các địa phương nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu gai cần tiếp tục quán triệt sâu rộng để tổ chức triển khai, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển cây gai theo đề án UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt.

Cán bộ các cấp hội cần nắm vững chủ trương, chính sách về phát triển cây gai xanh, kỹ thuật, hiệu quả của cây trồng để tuyên truyền, phối hợp hướng dẫn hội viên, nông dân, người sản xuất trên địa bàn. Phối hợp trong việc rà soát đất đai, xây dựng kế hoạch sản xuất, vận động, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho hộ trồng và mở rộng diện tích cây gai.

Phối hợp giữa Hội Nông dân với các cơ quan nông nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Làm vườn và trang trại huyện để phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng các mô hình trồng, chế biến, tiêu thụ cây gai xanh. Phối hợp hỗ trợ hội viên, nông dân trồng, phát triển cây gai xanh; vận động các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai tạo thành vùng sản xuất gai tập trung quy mô lớn.

Tham gia giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển vùng nguyên liệu, thu mua cây gai của Tập đoàn An Phước cũng như cơ chế khuyến khích mở rộng vùng nguyên liệu, chính sách hỗ trợ chuyển từ cây trồng khác sang trồng gai… của tỉnh và các huyện.

 Hoài Thu