Theo đó, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân và bảo đảm hoạt động của các nhà máy chế biến một cách hiệu quả, bền vững.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến được hình thành, phát triển, như: vùng nguyên liệu mía, vùng nguyên liệu sắn, vùng nguyên liệu cao su..., một số vùng nguyên liệu đã trở thành hình mẫu của cả nước, tiêu biểu là vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn.
Từ năm 2018 đến nay, cùng với sự ra đời của Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ sản xuất của Nhà máy, với tổng diện tích vùng nguyên liệu theo quy hoạch đến năm 2025 là 6.457 ha, trên địa bàn 18 huyện.
Qua 04 năm triển khai thực hiện, cây gai xanh đã cho thấy nhiều ưu điểm, nổi bật là: Có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, thích nghi với nhiều loại địa hình, nhiều loại đất, kể cả đất đồi từ 10-15 độ dốc; nói chung cây gai xanh mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác; đầu ra của sản phẩm ổn định, được Nhà máy cam kết thu mua lâu dài; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch không quá phức tạp, phù hợp với trình độ của đa số nông dân trên địa bàn tỉnh; việc bảo quản, vận chuyển sản phẩm gai xanh sơ chế từ vùng nguyên liệu đến Nhà máy dễ dàng, thuận tiện; trồng cây gai xanh còn có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần cải tạo đất...
Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng cây gai xanh mới đạt 670 ha, bằng 10% kế hoạch, chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu của Nhà máy; quy mô vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu lớn...
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương trong việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt; chưa thấy rõ được lợi ích và giá trị kinh tế của cây gai xanh mang lại để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển vùng nguyên liệu, bảo đảm hoạt động của Nhà máy có lúc, có việc còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng cây gai xanh ở một số nơi chưa tốt, chưa huy động được sự vào cuộc đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là của Hội Nông dân các cấp trong tuyên truyền, vận động; trách nhiệm của Nhà máy cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh chưa thực sự bài bản, sâu sát, hiệu quả.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu bình quân mỗi năm trồng mới 1.500 ha cây gai xanh, đến năm 2025 toàn tỉnh đạt 6.457 ha cây gai xanh trở lên, đáp ứng đủ nhu cầu của Nhà máy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh. Tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển cây gai xanh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người dân; phát triển cây gai xanh còn góp phần xây dựng thêm hình mẫu về sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; tăng cường niềm tin của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh...
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh: Rà soát, giao chỉ tiêu phát triển diện tích trồng cây gai xanh hằng năm cho các huyện trong vùng nguyên liệu, theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 24/4/2018 và Quyết định số 3820/QĐ-UBND ngày 01/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh), phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh trồng được 6.457 ha cây gai xanh trở lên theo quy hoạch; nghiên cứu bổ sung một số huyện, xã có đủ điều kiện và không thuộc vùng nguyên liệu các cây trồng khác vào vùng nguyên liệu cây gai xanh (nếu có nhu cầu).
Chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện trong vùng nguyên liệu cây gai xanh tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển vùng nguyên liệu; nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển diện tích cây trồng trên đất rừng sản xuất sang trồng cây gai xanh; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh tỉnh đã ban hành. Tăng cường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương, đơn vị, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đã được giao.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây gai xanh; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp và triển khai hướng dẫn, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên cập nhật, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giống mới chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, nhất là trong khâu thu hoạch, sơ chế tuốt vỏ gai để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm công sức và chi phí lao động.
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện trong vùng nguyên liệu cây gai xanh và Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế phối hợp phát triển vùng nguyên liệu, trong đó làm rõ trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng, đơn vị liên quan, trách nhiệm của UBND các huyện, UBND các xã và của Nhà máy trong thực hiện nhiệm vụ phát triển cây gai xanh, trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc về phát triển vùng nguyên liệu và hoạt động của Nhà máy (nếu có), bảo đảm cụ thể, rõ ràng, rõ trách nhiệm; nghiên cứu triển khai các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp trong vùng nguyên liệu (thông qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp...), để hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh sớm đạt mục tiêu đề ra.
Đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và thương mại An Phước - Viramie (Tập đoàn An Phước - Viramie): Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng, các địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế phối hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy.
Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu mía, sắn của các nhà máy đường, nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu cách làm hiệu quả trong việc phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh; khẩn trương nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên môn hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tại Nhà máy (phòng nông vụ); tiếp tục thực hiện hỗ trợ đầu tư ứng trước cho người trồng gai về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản...; thu mua, thanh toán nhanh, gọn, dễ dàng, thuận lợi cho người dân; bảo đảm giá thu mua hợp lý theo giá trị trường, trên cơ sở các bên cùng có lợi.
Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện trong vùng nguyên liệu cây gai xanh: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn quán triệt sâu sắc chủ trương: Phát triển cây gai xanh là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương, đưa loại cây trồng gắn với chế biến, có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định vào sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người dân. Đồng thời, quán triệt, phổ biến sâu rộng những lợi ích mà cây gai xanh mang lại để cán bộ, đảng viên và người dân nắm rõ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện...
Hoài Thu