Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 388 chợ, 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại; một số hệ thống bán lẻ hoạt động theo chuỗi: Winmart, MediaMart, Thế giới di động, Pico, Điện máy xanh,... cùng hàng nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp khác trong các khu vực dân cư, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Khi đến với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, người dân không chỉ dừng lại ở việc mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi... Cùng với việc chọn lọc hàng hóa có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm định nghiêm ngặt thì việc tạo ra các hình thức mua sắm mới lạ, thu hút khách hàng cũng được các siêu thị, trung tâm thương mại chú ý nhiều hơn, nhằm giữ chân khách hàng.
Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ truyền thống cũng được đầu tư, phát triển theo hướng xã hội hóa. Hiện, tỉnh Thanh Hóa đã có 142/388 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác; 238 chợ công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm và dẫn đầu cả nước về chuyển đổi và xây dựng chợ hợp chuẩn, chợ kinh doanh thực phẩm.
Ước tính, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đạt 1.500 tỷ đồng. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, các doanh nghiệp, HTX đã tích cực huy động nguồn vốn, thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chợ theo hướng hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giao thương trên địa bàn.
Với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, quy mô hoạt động của các cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị, chợ truyền thống... đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cho địa phương, góp phần phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân. 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt 64.741 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, xác định chuyển đổi số cũng là một trong những “mắt xích” quan trọng nhằm góp phần phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại; các sở, ngành, địa phương đang tập trung phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.
Sở Công Thương đã triển khai phương án chuyển đổi số toàn ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, kết nối xúc tiến thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Sendo; xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (mã vạch QR code, chip NFC, blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Toàn tỉnh đã có gần 200 hộ sản xuất nông nghiệp với 2.200 sản phẩm được tổ chức bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart; hàng nghìn cơ sở chuyên doanh, tiểu thương đã áp dụng phần mềm bán hàng trực tuyến và các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.
Sở Công Thương và các sở, ngành chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân số hóa dữ liệu các hộ kinh doanh, sản phẩm làng nghề truyền thống và thí điểm cấp mã QR cho hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.
Hoài Thu