Sau khi được bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm miến gạo Thăng Long được nhận diện và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Sau khi được bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm miến gạo Thăng Long được nhận diện và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Tỉnh Thanh Hóa có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền. Tuy nhiên, việc đưa nông sản xứ Thanh ra thị trường đang đối diện nhiều thách thức. Trong đó, có nhiều sản phẩm vốn là thế mạnh của tỉnh, như: cam, bưởi, lúa gạo, thủy sản... chưa có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên chưa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Tham gia thị trường nhiều năm nay, nhưng trước đây, ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long (Nông Cống) vẫn mơ hồ về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ông cho biết: “trước đây, tôi cho rằng sản phẩm khi ra thị trường chỉ cần bảo đảm chất lượng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, sản phẩm miến gạo Thăng Long khi ấy chỉ có thể tiêu thụ trên thị trường tự do, việc chen chân vào các siêu thị, hệ thống tiêu dùng hiện đại là rất khó. Ngay khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP, để chuẩn hóa điều kiện tham gia, HTX đã quan tâm chú trọng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, có sức tiêu thụ tăng 2,5 lần so với trước đó. Đồng thời, sản phẩm có ưu thế trong cạnh tranh trên thị trường”.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến tháng 4-2023, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu. Trong đó, văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương được cấp cho 5 sản phẩm, gồm: Mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, quế ngọc Thường Xuân, vịt Cổ Lũng Bá Thước; 15 sản phẩm địa phương được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, gồm: nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, Chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, miến gạo Thăng Long, kẹo nhãn Lang Chánh, mực khô Sầm Sơn, nước mắm Sầm Sơn, cam Xuân Thành, bánh lá răng bừa Xuân Lập. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có hơn 200 sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, xây dựng, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa còn quan tâm triển khai đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với hệ thống sản phẩm nông nghiệp, tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể như tương Làng Ái (Yên Định), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa), mắm tép Hà Yên (Hà Trung), cam Xuân Thành (Thọ Xuân)... Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ trì triển khai các dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho một số đặc sản, như: nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Sầm Sơn”, “Mực khô Sầm Sơn”, bưởi Diễn Yên Ninh (Yên Định)... Điều đáng mừng là các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ bước đầu đã khẳng định được giá trị trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu tới một số thị trường “khó tính” trên thế giới.

Thực tế cho thấy, việc lựa chọn sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng là một trong những khâu quan trọng để phát huy lợi thế của các sản phẩm sau bảo hộ. Tại các địa phương, vẫn còn tình trạng lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Đơn cử như, nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn. Nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại kém...

Để việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường, các sở, ngành liên quan cần hướng dẫn các địa phương phát triển nhãn hiệu, thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường. Ngoài ra, các địa phương chú trọng hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra thị trường.

PV (Theo baothanhhoa.vn)