Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, hiện hệ thống viễn thông internet của Thanh Hóa đã đảm bảo triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: thanh toán thông qua thẻ (POS, ATE...), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động. 

Đến nay, các tiêu chuẩn trao đổi, thu thập dữ liệu được ứng dụng trong hầu hết các giao dịch thương mại điện tử, loại hình doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) tại Thanh Hóa. Đã có 70% doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% doanh nghiệp có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% doanh nghiệp tham gia website, thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; 10% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

Theo thống kê, có khoảng 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ qua phương tiện điện tử; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, như: vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển kênh giao dịch điện tử và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sử dụng hình thức không tiền mặt, thanh toán tiền mua xăng dầu qua thẻ Flexicard...

Tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% doanh nghiệp có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian chiếm 80%; 60% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử và các hoạt động của đơn vị; 70% các giao dịch mua hàng trên website thương mại điện tử của doanh nghiệp có hóa đơn điện tử; 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.

Để đạt được mục tiêu đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các đơn vị tích cực phổ biến, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngành công thương tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; xây dựng website thương mại điện tử phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website. 

Hoài Thu