Sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao OCOP của Công ty TNHH nước mắm Cự Nham (Thanh Hóa).
Sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao OCOP của Công ty TNHH nước mắm Cự Nham (Thanh Hóa).

Theo đó, tại đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, có 15.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Đến năm 2025, mật độ doanh nghiệp hoạt động bình quân đạt 7,9 doanh nghiệp/1.000 dân, gắn phát triển doanh nghiệp đi đôi cả về lượng và chất.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu... theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng thị trường, tìm kiếm đối tác mới, ngành hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Hiện, tính đến hết năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 3.700 doanh nghiệp. Thanh Hóa tiếp tục duy trì vị trí đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. 

Là địa phương có sự tăng trưởng nhanh về số lượng số doanh nghiệp thành lập mới, nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô đến 10 tỷ đồng chiếm tới 90,4%; quy mô từ trên 10 - 20 tỷ đồng chiếm 4,6%; quy mô từ trên 20 - 50 tỷ đồng chiếm 2,5%; quy mô từ trên 50 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm 2,5%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng, thương mại, số lượng doanh nghiệp mới thành lập ở các lĩnh vực sản xuất còn khá khiêm tốn. Qua rà soát, chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp thành lập mới có phát sinh doanh thu, chi phí sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận các chính sách của Nhà nước.

Trong thời gian tới, ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập mới như các chính sách đăng ký kinh doanh, gỡ bỏ rào cản điều kiện kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng các vấn đề hỗ trợ thiết thực khác theo bối cảnh chung của tỉnh. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện và cơ sở quyết định hoạt động hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Đây được xem là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp yên tâm hơn khi quyết định gia nhập thị trường.

 Hoài Thu