Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện, toàn tỉnh này đã tích tụ, tập trung được 15.891 ha tại 25 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 1.895 ha được tích tụ, tập trung theo hình thức chuyển nhượng, 2.100 ha tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất; còn lại là tích tụ, tập trung theo hình thức góp vốn liên kết sản xuất bằng quyền sử dụng đất.
Trên thực tế, việc tích tụ, tập trung đất đai được thực hiện đã chứng minh được hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất, trong đó trồng trọt tăng từ 1,5 – 1,7 lần, thủy sản tăng 30% so với trước khi tích tụ ruộng đất.
Được biết, mô hình tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn đã được manh nha thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 1998 thông qua việc đổi điền, dồn thửa. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, khi tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn mới được chú trọng thực hiện.
Đến năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì vai trò, tầm quan trọng của công tác tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn càng được khẳng định.
Do đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, từ đó xây dựng được những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế, bắt kịp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.
Tại huyện Hoằng Hóa, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thời gian qua, UBND huyện Hoằng Hóa đã tập trung thực hiện các giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Huyện đã vận động người dân đổi điền, dồn thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển sản xuất, tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất.
Mặt khác, huyện Hoằng Hóa cũng đã thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn phục vụ việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Do vậy, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang là một trong những giải pháp để thúc đẩy sản xuất phát triển và cũng là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp. Với mô hình này, từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ truyền thống của người dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân lực lúc mùa vụ, giảm được chi phí trong sản xuất thông qua việc ứng dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Trên địa bàn toàn tỉnh, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, như: Sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương...; mô hình sản xuất ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Hậu Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa... mô hình sản xuất khoai tây tập trung tại Nga Sơn,... tạo điều kiện để thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất; mặt khác, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, sản xuất ở những cánh đồng mẫu lớn đã khẳng định những ưu thế vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 đến 25% so với những diện tích sản xuất nhỏ lẻ.
Hoài Thu