Chỉ tính từ đầu năm đến tháng 7/2017, tỉnh này đã có 376 ca mắc sốt xuất huyết, so cùng kỳ những năm trước đây (năm 2016 là 171 ca, năm 2015 là 220 ca, 2014 là 33 ca), đây là con số đáng lo ngại bởi hiện nay trên cả nước, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Theo thống kê mới nhất, chỉ trong tháng 7/2017, có 175 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở các tỉnh khác về điều trị tại Thanh Hóa, có 40 bệnh nhân sốt xuất huyết ngoại lai điều trị ở địa phương khác, có 21 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại địa phương.

Trong đó, ca nghi mắc sốt xuất huyết dưới 15 tuổi tại địa phương chiếm 52%, vãng lai là 48%; ca nghi mắc sốt xuất huyết trên 15 tuổi tại địa phương chiếm 11%, vãng lai chiếm 89%...

Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm hiện tại, ở tỉnh này chưa có ổ dịch sốt xuất huyết tập trung. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, Hà Đình Ngư cho biết: Số bệnh nhân ngoại lai được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2017 chiếm tới 75,92% tổng số bệnh nhân giám sát, làm tăng nguy cơ dịch bùng phát tại địa phương từ các mầm bệnh ngoại lai.

Trong khi đó, công tác đối phó với dịch sốt xuất huyết tại địa phương cũng gặp một số khó khăn, như kinh phí đề xuất bổ sung cho hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết từ ngân sách địa phương không được tỉnh phân bổ, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương hiện chưa có thông báo. 

Ông Ngư cũng cho biết thêm, số lượng hóa chất tồn kho không đủ cho nhu cầu tổ chức chiến dịch phun hóa chất đợt 2 và cơ số đáp ứng chống dịch cho 5 tháng cuối năm 2017.

Thanh Hóa: Hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị - Hình 1

Ảnh minh họa

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, Thanh Hóa đã có kiến nghị Bộ Y tế đề nghị Chính phủ xem xét phân bổ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết, đề nghị cấp bổ sung sinh phẩm chuẩn đoán sốt xuất huyết như: sinh phẩm Mac-Elisa, test nhanh cho tuyến tỉnh.

Đồng thời, có kế hoạch cấp bổ sung hóa chất cho các địa phương của tỉnh để đảm bảo cơ số phòng, chống dịch trong 5 tháng cuối năm.

Trước mắt, để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên toàn tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng và các vật thể trung gian có nguy cơ lây truyền mầm bệnh tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để đề phòng nguy cơ lây truyền mầm bệnh, ngành y tế của tỉnh cũng tích cực giám sát 270 bệnh nhân, trong đó có 205 bệnh nhân mắc ngoại lai trở về địa phương điều trị, phân bố ở 135 xã thuộc 21 huyện và 65 ca mắc tản phát tại địa phương phân bố ở 59 xã thuộc 19 huyện.

Nguyễn Thuấn