Theo đánh giá của Sở Công Thương Thanh Hóa, với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam được ký kết vào năm 2020 với Liên minh châu Âu (EVFTA), khu vực ASEAN, các đối tác (RCEP) và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực chuyển đổi số để “xuất khẩu trực tuyến”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến.
Việc Bộ Công Thương tích cực vào cuộc, phối hợp với các tập đoàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng góp phần đẩy mạnh ứng dụng thương mại số trong hoạt động xuất khẩu.
Từ tháng 3/2021, sàn thương mại điện tử Alibaba.com đã chính thức ký biên bản ghi nhớ với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lên sàn thương mại điện tử.
Trong đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến quảng bá, tìm kiếm đối tác và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng số. Đây chính là cơ hội thuận lợi để những doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp cận và giao thương hàng hóa tới các thị trường trên khắp thế giới.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa tiến hành thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử, tiến tới thiết lập chuyên trang hàng hóa thế mạnh của tỉnh.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có hơn 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa đến thị trường của 55 quốc gia trên thế giới. Để thực hiện xuất khẩu trực tuyến ổn định, hiệu quả, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Thanh Hóa khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến phải biết quản trị rủi ro, ghi rõ ràng các sản phẩm liên quan đến hóa đơn hợp đồng (proformal) cũng như tất cả các thông số kỹ thuật liên quan đến các sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, đồng thời mua bảo hiểm xuất khẩu để đề phòng rủi ro trong quá trình giao dịch.
Hoài Thu