Quảng trường biển Sầm Sơn là điểm nhấn độc đáo của du lịch Thanh Hóa
Quảng trường biển Sầm Sơn là điểm nhấn độc đáo của du lịch Thanh Hóa

Tại Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm định hướng phát triển ngành du lịch đồng thời lưu ý du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo ra lợi thế trong tương lai; rà soát lại các sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng theo hướng xác định những sản phẩm thực sự nổi trội.

Theo đó, cả nước đã hình thành một số địa bàn trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch theo 7 vùng phát triển du lịch, như: Lào Cai (vùng trung du và miền núi Bắc Bộ); Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình (vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế (vùng Bắc Trung Bộ); Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận (vùng duyên hải Nam Trung Bộ); Lâm Đồng, Đắk Lắk (vùng Tây Nguyên); Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (vùng Đông Nam Bộ); Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau (vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Trong số 49 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, có 23 khu vực đã được quy hoạch, một số khu du lịch quốc gia đã được công nhận cùng với nhiều khu du lịch quốc gia đang được hình thành, khai thác và phát huy hiệu quả.

Cùng với hình thành các vùng trọng điểm du lịch, đã phát triển các thương hiệu sản phẩm và thương hiệu điểm đến nổi bật để từng bước tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Việt Nam về du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái như Hạ Long, Phú Quốc, Mũi Né, Hội An, Huế, Sa Pa, Đà Lạt…

Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã đưa ra mục tiêu tổng phát trong phát triển du lịch là: Phục hồi và phát triển nhanh, bền vững du lịch thích ứng với bối cảnh mới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các mục tiêu phát triển bền vững. Hình thành các trung tâm du lịch quy mô lớn, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Di sản văn hóa Thành nhà Hồ
Di sản văn hóa Thành nhà Hồ

Tại Thanh Hóa, với vị trí địa lý trọng yếu và bề dày lịch sử văn hóa đã đem lại cho địa phương này hệ thống tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Những tài nguyên đó là nguồn lực quan trọng có thể đầu tư, khai thác những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của xứ Thanh.

Trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa ngày càng được hình thành rõ nét, đặc biệt sản phẩm du lịch biển có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ tại một số khu du lịch trọng điểm, như Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... cho đến việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn và việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch đặc sắc - đã đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa.

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm, như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân)... Cùng với các lễ hội truyền thống, quy mô lớn được tổ chức, đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đất và người xứ Thanh đến với du khách gần xa.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh đón được gần 40 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 9,5%/năm; tổng thu du lịch đạt 60.591 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 20,2%/năm.

Đặc biệt, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 đến nay, Thanh Hóa liên tiếp nằm trong tốp các địa phương thu hút lượt khách du lịch hàng đầu cả nước.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, cho biết:

"Nhằm tiếp tục giữ đà tăng trưởng bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa".

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Tuy nhiên, để triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân. Có như vậy, Thanh Hóa mới có thể trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước trong tương lai gần.

An Nhiên