Ở KCN Hoàng Long (TP. Thanh Hóa), hai công ty giày da lớn cũng đồng loạt tuyển dụng thêm lao động. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam tuyển dụng thêm 770 lao động và có kế hoạch tuyến dụng tiếp khoảng 1.430 lao động trong khoảng từ nay đến cuối năm. Tương tự, Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam cũng đã tuyển dụng thành công 625 lao động, đang tiếp tục tuyển thêm khoảng hơn 1.000 lao động những tháng cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, tại các KCN của tỉnh và KKTNS có tới 11 công ty da giày, may mặc tuyển dụng hơn 6.000 lao động. 10 doanh nghiệp trong số đó vẫn đang triển khai tuyển dụng thêm hơn 8.000 người trong những tháng cuối năm. Như vậy, nhu cầu lao động cho ngành may, da giày trên địa bàn toàn tỉnh còn rất lớn, chưa kể một số dự án mới đang được triển khai xây dựng.
Thống kê của Sở Công Thương, đến nay Thanh Hóa đang có gần 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động. Với các doanh nghiệp da giày, đến hết năm 2023 đã có 27 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 133.000 người.
7 tháng năm 2024, tình hình thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư hạ tầng công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc. Điển hình KCN Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; KCN phía Tây TP. Thanh Hóa đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để thông qua đồ án quy hoạch, triển khai các bước tiếp theo. Các cụm công nghiệp như: Đông Bắc TP. Thanh Hóa, Thọ Nguyên (Thọ Xuân), Minh Tiến (Ngọc Lặc)... được thành lập hoặc đi vào hoạt động đã thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, trong đó phần lớn là các nhà máy may mặc. Dự kiến trong những tháng tới, một số nhà máy sẽ khánh thành đi vào hoạt động như: Nhà máy giày tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) nhà máy giày tại xã Xuân Dương (Thường Xuân)...
Thanh Hóa là tỉnh có số dân đứng thứ 3 cả nước, lại đang trong thời kỳ “dân số vàng” với hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, với việc phát triển thêm nhiều dự án và sự phục hồi của ngành may mặc, da giày, thời gian tới cần rất nhiều lao động. Nếu không có sự nhìn nhận để có giải pháp kịp thời, đó thực sự là vấn đề đáng lo ngại.
Theo đại diện Sở Công Thương, tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp may chuyển hướng đầu tư dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu riêng để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời, ưu tiên bố trí các doanh nghiệp may tại các khu, cụm công nghiệp, chuyển dịch dần về các khu vực thị trấn, thị tứ, vùng xa để thu hút lao động tại chỗ và cung cấp sản phẩm ngay trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, các dự án may mặc, da giày nên thu hút đầu tư có chọn lọc tại huyện đồng bằng, ven biển. Đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ hạn chế thu hút đầu tư mới các dự án may mặc, da giày sản xuất còn tính chất thủ công, nhiều lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp này đổi mới công nghệ, quy trình quản lý để nâng cao công suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Lê Huy