Hiện, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì và nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, quản lý việc hoạt động của các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, qua đó quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.
Theo đó,việc kiểm tra thực hiện tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP như: kiểm tra giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu OCOP gắn trên các sản phẩm được các cấp các ngành hết sức quan tâm.
Theo khảo sát của Tổ quản lý Chương trình OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, các sản phẩm OCOP đều có tem nhãn OCOP, truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng nên được người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều mặt hàng có sức tiêu thụ tốt như Kẹo lạc Đức Giang, Kẹo gạo lức Đức Giang (Thọ Xuân), chè xanh sạch Bình Sơn (Triệu Sơn), Ngâm chân Mộc Việt (Quảng Xương)…
Theo ông Trần Đức Năng - Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, địa phương này có các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 11 sản phẩm chủ lực, hơn 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất.
Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực được người dân các địa phương trong tỉnh, khách hàng thập phương ưa chuộng, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm OCOP. Rõ ràng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hoài Thu