Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị “Kết nối Thanh Hóa – Nhật Bản 2023”
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị “Kết nối Thanh Hóa – Nhật Bản 2023”

Thanh Hoá là địa phương có vị trí chiến lược giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không:

Có cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, hiện đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước; có cửa khẩu Na Mèo liên thông với nước bạn Lào và các nước ASEAN.

Cảng nước sâu Nghi Sơn
Cảng nước sâu Nghi Sơn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapo, Canada, Đức, Anh, Bỉ, Hungary, Australia...) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa.

Thành công này được đánh giá là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực.

Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3 - 6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc coi trọng các địa bàn, đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô oét, Đài Loan..., tỉnh Thanh Hóa sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Hoa Kỳ, Nga, một số quốc gia châu Âu khác; đồng thời, khai thác hiệu quả mối quan hệ từ các tập đoàn lớn tại các nước phát triển.

Ngoài cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch và xem đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI.

Trong những tháng đầu năm nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa.

Được biết, trong 7 tháng qua, toàn tỉnh đã thu hút thêm 9 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 131,4 triệu USD, gấp 3,2 lần vốn đăng ký so cùng kỳ 2022.

Hoài Thu