Trong thời gian qua, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân đã được các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong chủ động phòng ngừa, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập, bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác do không thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Để chủ động phòng, chống, kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn và hệ thống thông tin cơ sở chủ động, tích cực phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tích cực, chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thực hành tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay với xà phòng và nước sạch, thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, học tập; kiểm tra, loại bỏ những nơi muỗi có thể đẻ trứng trong các vật liệu phế thải, vật dụng sinh hoạt có thể chứa nước; phát hiện và diệt loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Lồng ghép tuyên truyền về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh với các hoạt động của Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân, Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và các phong trào, chương trình, kế hoạch, dự án khác có liên quan.
Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động thiết thực nhằm tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch, tăng cường công tác xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt, hạn hán xâm nhập mặn và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các xã, phường, thị trấn phải định kỳ (tối thiểu hằng tháng) tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư…, thu gom, xử lý chất thải đảm bảo hợp vệ sinh, kết hợp với xử lý triệt để các dụng cụ, vật dụng, phế thải… có thể ứ đọng nước, loại bỏ những nơi muỗi có thể đẻ trứng nhằm diệt bọ gậy, loăng quăng phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác do muỗi truyền bệnh. Chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là tại các khu vực, thời điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch, bệnh, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…. Báo cáo kết quả thực hiện, gửi Sở Y tế trước ngày 5/12/2022.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế các cấp về vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… Tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và gửi Bộ Y tế trước ngày 15/12/2022.
Hoài Thu