Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, tính đến nay toàn tỉnh Thanh Hoá có 28.512 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 190,4 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, là lựa chọn tối ưu giúp doanh nghiệp phục hồi, tránh tụt hậu.

Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới.

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Trước đó, ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số  tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 176/QĐ-UBND, ngày 10-1-2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 4216/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Với quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số ; Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số theo bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên.

Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Kết quả về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, Thanh Hóa xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đứng thứ 2 sau Quảng Ninh trong tứ giác phát triển phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), và cũng đứng thứ 2 sau Thừa Thiên - Huế trong các tỉnh Bắc trung bộ.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế số của địa phương, ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đề nghị: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm đảm bảo các mục tiêu mà Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra.

Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp cùng với UBND huyện, thị xã, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cần phát huy vai trò người đứng đầu doanh nghiệp trong chuyển đổi số; Tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị có giải pháp nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Lê Nam