Thành phố Đà Nẵng: Mô hình Câu lạc bộ cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng - Hình 1

Đáng chú ý là xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao (2.534 người, chiếm 84%). Cùng với việc chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế, Đà Nẵng luôn chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội theo các mục tiêu “thành phố 5 không, 3 có, 4 an”, nhờ đó, đã góp phần tạo cho Đà Nẵng một diện mạo mới. Để tăng cường quản lý và giúp đỡ người nghiện, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung vào các mô hình là cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy và mô hình Câu lạc bộ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Năm 2015, mô hình Câu lạc bộ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được tổ chức triển khai thí điểm tại 14 xã, phường, đến năm 2016, mở rộng thêm 02 phường, nâng tổng số xã, phường thực hiện thí điểm mô hình lên 16 xã, phường.

Mô hình được triển khai thông qua hoạt động câu lạc bộ. Đây là công việc mới nên ban đầu còn nhiều khó khăn, song các địa phương vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm nên đã đạt được một số kết quả bước đầu như: đã thành lập và duy trì sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt, tăng cường công tác tiếp cận Hội viên của các thành viên Ban Chủ nhiệm được phân công để tư vấn, cảm hóa, chia sẻ. Đến nay, trên toàn thành phố có 309 đối tượng được cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng; trong đó: 241 đối tượng không tái nghiện (tỷ lệ: 78%), 68 đối tượng tái nghiện đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc (tỷ lệ: 22%); 167 đối tượng có việc làm phụ giúp được gia đình (tỷ lệ: 54%), 50 đối tượng đang học nghề (tỷ lệ: 16%), 92 đối tượng chưa có việc làm (tỷ lệ: 29%).

Số hội viên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ năm 2015 là 88 người, năm 2016 là 171 người. Hầu hết các trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình - cộng đồng đều được lập hồ sơ theo quy định, có kế hoạch cai nghiện cho từng trường hợp cụ thể. Chủ nhiệm các Câu lạc bộ đã phân công các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trực tiếp theo dõi, quản lý, định kỳ hàng tháng có đánh giá phân loại. Các trường hợp gần hết thời gian cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, Câu lạc bộ đề nghị Công an tiến hành thử test và tổ chức họp xem xét đề nghị mới cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ đã duy trì sinh hoạt đều đặn, tổ chức họp định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình hoạt động, tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng và gia đình đối tượng để có hướng giáo dục, giúp đỡ đối tượng hoàn thành tốt chương trình cai nghiện.

Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, các Câu lạc bộ còn đa dạng hóa các hình thức hoạt động, sinh hoạt Câu lạc bộ, thu hút các Hội viên đến tham gia, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thường xuyên thay đổi nội dung, hình thức sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề “ma túy, hiểm họa”, “Ngáo đá-hệ lụy khôn lường” sinh hoạt ngoại khóa như tham dự tòa án xét xử lưu động, phát động phát cơm từ thiện tại Bệnh viện trong thành phố, hỗ trợ kinh mua sách, vở, áo quần để đi học, tuyên truyền trên sóng phát thanh phường 02 lần/tuần về phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy, tổ chức thăm quan, giao lưu với Trung tâm GD-DN 05-06 và Trường giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an để các Hội viên trong Câu lạc bộ thấy được thực tế cuộc sống người dân, hiểu được hoàn cảnh của nhiều gia đình còn khổ cực, khó khăn, nhiều bệnh nhân thiếu thốn, chạy tiền từng ngày để chữa bệnh, khuôn khổ kỷ luật, học tập, lao động, sinh hoạt của các học viên tại Trung tâm GD-DN 05-06 và Trường giáo dưỡng số 3. Qua đó, các em biết quý đồng tiền, biết chia sẻ, biết sử dụng tiền đúng mục đích, tổ chức làm công tác xã hội từ thiện, thông qua đó tuyên truyền cho hội viên nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, về hậu quả và tác hại to lớn của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, hướng dẫn phương pháp cai nghiện tại gia đình-cộng đồng và phòng, chống tái nghiện; phòng, chống lây nhiễm HIV, các bệnh xã hội; tìm hiểu về tác hại của việc sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá.

Hải Anh