Thực tiễn triển khai tài chính toàn diện trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính - ngân hàng thường song hành chặt chẽ với xu thế thanh toán không dùng tền mặt. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam về cơ bản đã đạt được những bước tiến lớn cả về chất và lượng.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cho đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hạ tầng thanh toán điện tử, tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng. Các tổ chức tín dụng đã liên tục đưa ra sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại phục vụ khách hàng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng đã được kết nối với toàn bộ 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng nhu cầu thu, chi của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào mạng lưới kinh doanh, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet mỗi ngày. Với tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên Mobile Banking tại Việt Nam là 200%, giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300.000 tỷ đồng/ngày.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam nằm trong nhóm nước có lợi thế trong phát triển kinh tế số với nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính trên các kênh số ngày càng gia tăng.
Các số liệu trên cho thấy, phương thức thanh toán tiền mặt đang giảm dần, thay vào đó là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt vì đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt ở những người trẻ nhờ sự năng động, nhạy bén với công nghệ và sự cởi mở với các phương tiện thanh toán mới.
Hiện tại, nhờ sự tiến bộ của công nghệ tài chính, khách hàng được sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng hơn, từ chuyển khoản đến thanh toán mua hàng tại siêu thị trực tuyến qua Internet Banking, Mobile Banking, mà không cần phải thực hiện thêm thủ tục nào.
Giới trẻ, dân văn phòng các tại các thành phố lớn đang dần có một thói quen, ra đường chỉ cần mang theo điện thoại. Không cần ví tiền, không cần thẻ, các giao dịch thường ngày có thể thực hiện nhờ tính năng thanh toán, chuyển khoản, quét mã QR và một hệ sinh thái trên môi trường số hóa.
Về thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy nhanh chóng, hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện (doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%).
Theo khảo sát của Công ty PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Đến nay, toàn thị trường có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Các đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Đến nay có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code (một hình thức thanh toán mới, hiện đại tại đơn vị chấp nhận thanh toán tương tự như thanh toán qua POS).
Hà Trần