Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2021, lượng xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,49 triệu tấn, tương đương 1,89 tỷ USD, giảm 12,7% về khối lượng và 3,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản Nguyễn Quốc Toản, xuất khẩu gạo sụt giảm một phần do ảnh hưởng từ việc lưu thông đến thu hoạch và mua bán lúa gạo, nhưng một phần do khách hàng mua gạo ở các quốc gia khác đã giảm sút khá nhiều khiến sản lượng gạo bán ra giảm, trị giá vì thế cũng giảm.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về phương tiện vận chuyển giữa các nơi (từ đồng ruộng về nhà máy sấy/nhà máy xay xát, chế biến…) trên địa bàn các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; phải qua nhiều chốt kiểm dịch và phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều chủ phương tiện từ chối chuyên chở do chi phí phát sinh... Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là đường bộ hiện gặp nhiều khó khăn khi tài xế tại một số địa phương phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày 1 lần...
Đáng chú ý, giá cước vận chuyển quốc tế đang ở mức cao, khan hiếm container rỗng, lịch tàu xuất thường bị trì hoãn do thiếu hàng hóa hoặc thủy thủ đoàn bị nghi nhiễm phải cách ly tập trung... cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu của các thương nhân và làm gia tăng chi phí xuất khẩu.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bàn giải pháp với các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và chỉ đạo khối ngân hàng thương mại cho thương nhân xuất khẩu gạo vay thêm một phần tín chấp để thu mua dự trữ lúa gạo vụ hè thu; đồng thời, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay lên 9 tháng hoặc 1 năm để thương nhân có đủ thời gian quay vòng vốn hoàn nợ.
Hà Trần