Từ chợ truyền thống đến chợ livestream
Trưa giữa tuần tại chợ Bình Tây (quận 6), bà Nguyễn Thị Hằng – tiểu thương bán vải hơn 10 năm – vừa gói hàng cho khách đặt qua Facebook, vừa liếc nhìn điện thoại đang phát livestream. Trên màn hình là con gái bà, đang giới thiệu từng mẫu vải từ cửa hàng của mẹ. “Từ hồi nhỏ cháu nó ghét ra chợ, giờ lại mê livestream. Có hôm bán qua mạng còn hơn khách tới chợ”, bà Hằng cười nói.
Tình trạng vắng khách đến chợ trong giai đoạn hậu Covid-19 khiến nhiều tiểu thương phải xoay sở. “Hồi dịch, ai cũng đóng cửa, buôn bán khó khăn. Sau đó tôi học cách quay video sản phẩm, trả lời tin nhắn khách. Ban đầu còn lóng ngóng, giờ thành quen”, chị Lê Minh Trang – tiểu thương bán đồ khô ở chợ Bến Thành (quận 1) chia sẻ.
Không chỉ giới trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng đang tự mày mò học công nghệ. Bà Phan Thị Sen (54 tuổi), bán hải sản ở chợ Bà Chiểu, dùng smartphone để quay cảnh hấp mực, nướng cá. “Khách xem thấy hấp dẫn là đặt liền, tôi giao qua Grab. Nhờ vậy mà giữ được mối quen và có thêm khách mới”.
Xu hướng “lên mạng” bán hàng không còn là chuyện lạ ở các thành phố lớn, nhưng điều đáng chú ý là tốc độ chuyển đổi của tiểu thương truyền thống đang nhanh hơn nhiều người tưởng.

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ tiểu thương chợ dân sinh tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. HCM, bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP. HCM cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai mô hình chợ trực tuyến và tập huấn livestream bán hàng cho tiểu thương.
Bà Quỳnh đánh giá mô hình chợ trực tuyến giúp người tiêu dùng dễ dàng “tương tác” với hàng hóa thông qua các nền tảng số, đồng thời hỗ trợ tiểu thương có thêm khách hàng, thoát cảnh ế ẩm. Hiện, mô hình này đã được triển khai tại 33 chợ dân sinh trên địa bàn TP. HCM, tạo ra khoảng 16.000 đơn hàng online.
Bên cạnh các giải pháp chuyển đổi kênh bán hàng, Sở Công Thương đã triển khai thanh toán không tiền mặt tại các chợ dân sinh. Đối với các chợ đang là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, phương thức thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nơi thông qua ứng dụng cũng được đẩy mạnh…

Ngoài ra, Sở Công Thương TP cũng phối hợp các quận, huyện rà soát các quy định đã ban hành để làm nền tảng sửa đổi, điều chỉnh giải pháp nâng cấp chợ cho phù hợp với đặc trưng ở mỗi nơi. Các tiểu thương cũng chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự nhằm tạo niềm tin từ người tiêu dùng.
Theo bà Quỳnh, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo tổ chức cho đối tượng quản lý chợ và tiểu thương.
“Chương trình tập huấn sẽ giúp tiểu thương có những giải pháp kịp thời để thích nghi, chuyển đổi với các xu hướng trong môi trường kinh doanh, tiếp cận đa dạng tệp khách hàng hơn. Ngoài ra, chương trình còn giúp tự bản thân thương nhân có những giải pháp chuyển đổi kịp thời để tăng sức cạnh tranh với các kênh bán hàng trực tuyến”, bà Quỳnh cho biết.
Không chỉ là công nghệ, mà là sự thay đổi tư duy
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, làn sóng tiểu thương “lên mạng” bán hàng là biểu hiện rõ nét của xu hướng “số hóa từ gốc rễ” trong xã hội. “Thương mại điện tử từng bị hiểu nhầm là sân chơi của các doanh nghiệp lớn, nhưng thực tế nó mở ra cơ hội cho cả người bán nhỏ nếu họ linh hoạt và chịu học hỏi. TP. HCM, với môi trường năng động và dân số trẻ, đang dẫn đầu xu thế này”.

Chuyên gia cho rằng chuyển đổi số không chỉ là việc học dùng công nghệ, mà còn là thay đổi tư duy kinh doanh: “Trước đây tiểu thương chờ khách đến chợ. Giờ thì họ chủ động tiếp cận khách qua mạng. Họ bắt đầu quan tâm đến hình ảnh, tương tác, chăm sóc khách hàng – những điều mà doanh nghiệp chuyên nghiệp vẫn làm”.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít rào cản. Một số tiểu thương lớn tuổi gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ. Vấn đề bảo mật thông tin, lừa đảo online hay xử lý đơn hàng cũng là mối lo ngại.

Phần lớn tiểu thương ở các chợ truyền thống đều không quen sử dụng smartphone ngoài mục đích cơ bản. Các thao tác như quay video, chỉnh sửa hình ảnh, tạo fanpage, quản lý đơn hàng... khiến nhiều người “hoảng loạn”. Đặc biệt, những người lớn tuổi dễ cảm thấy bị “choáng ngợp” khi phải học công nghệ mới.
Bà Lê Thị Nụ (58 tuổi, bán đồ khô tại chợ An Đông) chia sẻ: “Tôi còn chưa biết gửi email, mà giờ mấy đứa con cứ bảo livestream, bán qua app. Không biết phải làm từ đâu luôn”.
Một rào cản khác là sự khác biệt trong cách tiếp cận khách hàng. Nhiều tiểu thương quen bán trực tiếp, có thể mời chào, nói chuyện, giới thiệu mặt hàng bằng cảm xúc thật. Nhưng trên mạng, họ phải đối diện với... ống kính, với những dòng bình luận không hay, thậm chí là chê bai.
Không ít tiểu thương chia sẻ cảm giác bị “áp lực sân khấu” khi livestream:
“Người ta nói mình nói chuyện quê mùa, không chuyên nghiệp, không biết cách nói mời chào. Tôi thấy tủi thân, rồi không dám làm nữa”, bà Nụ kể lại.
Hoàng Bách